Sunday, June 13, 2021

NGẨNG CAO ĐẦU TRONG CHIẾN BẠI

Gia đình chúng tôi và vợ chồng anh bạn dùng điểm tâm sáng tại Phở Danh

Ngày 21 tháng 5, 2013, vợ chồng tôi mời cô em gái và vợ chồng anh bạn ở Minnesota đang về thăm thành phố Houston đến ăn tại tiệm “Phở Danh”, trong khu Hồng Kông 4. Tôi thích tiệm phở nầy vì ở đây tôi thích ăn món bún suôn còn bà xã tôi thì thích món bún bò Huế, các loại phở ở đây ngon và rất nhiều thịt nên tiệm ăn nầy lúc nào cũng nhộn nhịp khách đến ăn. Tôi thì rất thích thịt bò nhưng lại không dám ăn nhiều lắm vì ngại bịnh gout tái phát! Bất ngờ thú vị của tôi là thấy bàn ăn dài, gần bàn của chúng tôi có nhiều khách đang ăn, tôi nhận thấy có anh chị Nguyễn Chánh Hồng và anh Đỗ Trung Thành, hai anh Hồng và Thành là bạn học cùng khóa với nhau tại trường Việt Nam Hàng Hải, và chúng tôi thường gặp nhau tại các buổi họp mặt cuối năm của anh em hàng hải thương thuyền đang sinh sống tại Houston, Texas; hoặc các buổi gặp mặt để đãi các anh học cùng trường hiện định cư trên toàn thế giới về đây thăm gia đình hoặc đến thăm viếng thành phố Houston. Tôi nhớ hoài buổi ăn tại nhà anh chị Hồng đãi khi anh Lê Văn Được sang thăm Houston, món beef steak của chính anh chị làm cộng với chút rượu vang của ngày hôm ấy thật là tuyệt vời. Cảm ơn sự hiếu khách của hai anh chị. 

Cùng ăn sáng tại Phở Danh trong khu Hong Kong 4

Tôi thấy anh Thành đang đứng, chọn góc nhìn để chụp hình thì buộc miệng hỏi anh có cần tôi chụp cho không? Anh Thành là một sinh viên khóa đàn anh, một niên trưởng mà tôi rất quý, đến ngay bàn ăn của chúng tôi và “kéo” tôi sang bàn ăn của anh, có rất nhiều anh chị đang ngồi. Tôi lưỡng lự song anh Thành ân cần quá nên tôi theo anh qua đó. Anh giới thiệu với tôi anh Nguyễn Minh Thơ, cựu Hải Quân Trung tá, khóa 8 Sĩ Quan Hải Quân; anh Thơ, anh Hồng và anh Thành là bạn học cùng khóa tại trường Việt Nam Hàng Hải, ngành cơ khí khóa 7 (1955-1957). Do hoàn cảnh khác nhau hai anh Hồng và anh Thành thì làm việc trên các thương thuyền Pháp như Messagerie Maritimes và Chargeur Réunie, đi nhiều nước Âu-Á châu, còn anh Thơ thì vào Hải Quân. Sau nầy do lịnh tổng động viên anh Thành được chuyển qua Hải Quân còn anh Hồng thì là hoa tiêu (pilote) của Không Quân. Tôi gặp anh Thơ rất nhiều lần, khi sang California để dự các buổi họp mặt của anh em Thân hữu Hàng Hải Thương thuyền toàn thế giới. Tôi được biết gần đây anh thoát nạn trong một tai nạn xe hơi tại Florida, trong đó có một người bạn bị tử nạn! Phải nói Ơn Trên Trời Phật đã phù hộ cho anh. Trong bàn ăn của quý anh chị đang ngồi thì chỉ có hai anh Hồ Công Minh và Nguyễn Văn Nghĩa là tôi chưa có hân hạnh được biết nhiều, chỉ “nghe” là anh Nguyễn Văn Nghĩa là cháu của cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.

 

Trò chuyện cùng Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại

Sau đó anh Thành giới thiệu cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại với tôi, phải nói là ngoại hình của ông có thay đổi so với trước đây. Trước 1975 khi làm Hạm Trưởng HQ.603, tôi có nhiều lần công tác ở Vùng 1 Duyên Hải, có dịp trình diện Tư Lịnh và Tư Lịnh Phó Vùng là HQ. Đại Tá Nguyễn Công Hội, trước đây ông Hội là Chỉ huy trưởng hải đội tuần duyên của chúng tôi tại Bộ Tư lệnh Hạm Đội và tất cả anh em Hạm trưởng đều quý mến ông. Cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại được nhiều người biết đến, trong giới quân nhân và dân sự Việt Nam vì ông có viết quyển Can Trường Trong Chiến Bại. Tôi đồng ý với ông là tại sao chúng ta tiếp tục tự dày vò chúng ta với sự chiến bại mà không hãnh diện về sự can trường của những anh hùng thuộc các quân binh chủng trong mọi hoàn cảnh? Phải nhìn nhận là ông có một trí nhớ phi thường, ông kể tên và xuất xứ từng sĩ quan được nhắc đến, từng sự kiện lịch sử, từng chi tiết rất chính xác. Trong quyển sách dày trên 300 trang của ông có một đoạn nhỏ nói về đơn vị của chúng tôi, hỏa vận hạm - HQ.472, mà tôi là Hạm trưởng, ở trang 263, 264. Có đoạn: ”Lúc 12 giờ trưa ngày 31 (31-3-1975, ghi chú của người viết bài nầy) tôi chỉ thị cho đại tá Nguyễn Công Hội lên hỏa vận hạm HQ 472 để hướng dẫn toàn bộ đoàn chiến đỉnh, chiến thuyền của các đơn vị thuộc Hải Quân Vùng I Duyên Hải rời Cu Lao Ré để đi Vũng Tàu”. Để bổ sung thêm phần nầy, tôi xin trích một đoạn nhỏ trong quyển “Sư Đoàn 3 Bộ Binh, phần thứ hai - Nhật Ký Tư Lệnh, do Thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh viết 1972-1975”, trang 40 có đoạn viết về chiến hạm của chúng tôi như sau:

Thứ Hai, 31 tháng 3 - 75: Ngày thứ ba trên tàu. Công việc cứu vớt người của hải quân không tiến triển được nhiều. Nói rằng đêm qua có tàu ủi vô bãi Bắc, chờ một giờ không có ai ra. Một ngày buồn trên tàu! Khoảng 16 giờ đề đốc Thoại nhận lệnh đưa gấp 1 số tàu tác chiến về yểm trợ cho khu Qui Nhơn (có lẽ đang bị uy hiếp nặng). Tôi cùng đại tá Hội, tư lệnh phó Vùng I Duyên Hải sang tàu dầu 542 - đính chính 472, hạm trưởng trung úy – đính chính đại úy - An Thuận, cùng một đoàn tàu nhỏ đi về Cam Ranh”.

Trong lần gặp mặt nầy, cựu Phó Đề Đốc Thoại có nói với tôi là “trông tôi hơi quen quen”, tôi có trả lời là trong quyển sách của commandant (ghi chú: trong các đơn vị hải quân chúng tôi thường gọi cấp chỉ huy như vậy) có một đoạn rất nhỏ nói về chúng tôi. Tôi nhớ lại lần cuối gặp ông là lúc ông đang trên một chiếc hộ tống hạm PCE, HQ. 08 để chỉ huy toàn bộ cuộc triệt thoái. Tàu chúng tôi vào cấp dầu cho chiến hạm nầy, và tôi có lên đài chỉ huy của chiếc PCE trình diện ông, tôi nhớ ông đang mặc áo navy blue jacket, mặt có vềt trầy, trông ông giống như hình trên trang bìa quyển sách của ông.

 

cựu HQ Trung tá Trần Đình Trụ.

Người kế tiếp mà tôi cũng có nhiều kỹ niệm là cựu HQ Trung tá Trần Đình Trụ. Năm 1972, chúng tôi sang Subic Bay để lãnh hai chiếc tuần dương hạm cho Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa. Toán chúng tôi lãnh chiếc tuần dương hạm Lý Thường Kiệt – HQ.16, toán của ông lãnh chiếc Ngô Quyền HQ. 17 và ông là Hạm trưởng. Chúng tôi cùng ở chung, ăn chung tại khu vực của sĩ quan Hoa Kỳ. Cả hai thủy thủ đoàn cùng làm việc cật lực để hoàn thành công tác lãnh tàu tại nước ngoài, và cùng về nước một lượt. Sau nầy khi về nước chúng tôi mang tàu ra Cam Ranh để tham dự huấn luyện ngoài khơi vì có nhiều anh em mới thuyên chuyển xuống tàu bổ sung thêm cho đủ cấp số, thủy thủ đoàn của mỗi tuần dương hạm khoảng 100 người. Sau đó thì mỗi người mỗi công tác nên ít có dịp gặp lại nhau. Nay gặp lại và thấy sức khỏe của ông tốt nên tôi mừng. Nhắc đến ông thì trong giới hải quân đều biết là có một số người sau khi đã tới trại tỵ nạn tại Guam, và vì gia đình vợ con còn kẹt lại trong nước nên muốn trở về và đã đấu tranh bằng nhiều hình thức như tuyệt thực bất bạo động cũng như bạo động. 

 

Sau cùng chính quyền Hoa Kỳ quyết định chấp thuận cấp tàu Việt Nam Thương Tín 1 có trọng tải trên 10.000 tấn, dài 140 m do HQ Trung tá Trần Ðình Trụ làm Thuyền Trưởng cùng với Thủy thủ đoàn hoàn toàn do các anh em Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan và Ðoàn Viên Hải Quân/ Việt Nam Cộng Hòa đảm trách để đưa 1.652 người từ Guam trở về Việt Nam. Ðúng 08 giờ sáng ngày 15 tháng 10 năm 1975 mọi người muốn trở về được lần lượt đưa xuống tàu. Ðúng 12 giờ 45 ngày 16 tháng 10 năm 1975 tàu Việt Nam Thương Tín 1 rời đảo Guam và khởi hành về Việt Nam. Sau 9 ngày lênh đênh trên biển, sáng ngày 25 tháng 10 năm 1975 tàu thả neo tại Vũng Tàu. Sau đó csVN ra lệnh tàu trực chỉ đi Nha Trang và đã thả neo tại vịnh Cầu Ðá lúc 10 giờ sáng ngày 27, csVN phân loại và đưa một số người đi tù. Riêng ông Trần Ðình Trụ đã bị Việt Cộng lưu đày qua các nhà tù từ Nam ra Bắc rồi trở vào Nam. Cho đến ngày 13 tháng 02 năm 1988 ông được ra tù từ trại Hàm Tân. Ngày 13 tháng 12 năm 1991 ông được ra đi định-cư tại Hoa-Kỳ theo diện HO cùng với vợ con. (đoạn nầy viết theo các tài liệu tham khảo khác nhau). csVN là như thế! Trong cả ngàn người trở về, có nhiều người thực lòng muốn về để đoàn tựu với gia đình và cống hiến, phục vụ cho quê hương, “vì nước nhà đã được độc lập, đã hết chiến tranh rồi. Hoà bình đến thì nước nhà cần bàn tay của mọi công dân", trích trong quyển Con Tàu Việt Nam Thương Tín của tác giả Trần Đình Trụ. Chúng ta hãy cùng chia sẽ tâm trạng của tác giả lúc đó:”Tôi nhớ tới cuộc di cư mà cha mẹ mình đã trải qua 20 năm về trước mà lòng não nề. Trong một nước mà còn không thể gặp nhau, huống hồ bây giờ tôi ra nước ngoài thì biết bao giờ gặp lại”. Với bản tính đa nghi (suy bụng ta ra bụng người), thà giết lầm-nhốt lầm hơn hơn là thả lầm, nên họ đã bỏ lỡ một cơ hội bằng vàng hòa hợp lòng người của hai phiá để cùng nhau chung sức đem đất nước vươn lên, sánh vai cùng các nước xung quanh! Nay thì kêu gọi hòa hợp hòa giải ai mà tin nơi họ nữa!!! Họ chỉ muốn moi tiền của người Việt đang sinh sống ở nước ngoài chớ có thương yêu ai bao giờ. Hãy nhớ câu nói bất hủ: ”Đừng tin những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm”.

Nói về cộng sản thì giống như trước đây chúng ta thường nói, “chuyện dài nhân dân tự vệ”, anh em chúng tôi thường khuyên lẫn nhau, thôi mình đã làm tròn bổn phận của mình với “hai chữ Việt Nam” (đất nước) rồi, trong chiến tranh đã vào sinh ra tử, trong hòa bình đã luôn ngẩng cao đầu trong các nhà tù cộng sản, bây giờ nên an hưởng tuổi già, lo kinh kệ, sống hạnh phúc với các con các cháu, vui vẻ với các bạn già, trồng trọt, ngắm hoa ngắm cảnh, du lịch, trau dồi thêm kiến thức về computer, về âm nhạc… mọi chuyện ở Việt Nam hãy gác bỏ ngoài tai vì đã ngoài tầm tay của chúng ta rồi vv…vv… nhưng khi đọc tin trong nước thấy csVN đàn áp những sinh viên, thanh niên thanh nữ lên tiếng đòi tự do, dân chủ, nhân quyền với những bản án trên cả chục năm tù thì tôi nghĩ chúng ta phải lên tiếng chung tay, chung tiếng nói với tuổi trẻ Việt Nam.

Trong nước chúng ta còn một thế hệ thanh niên không chịu cúi đầu, chứng tỏ ý chí mạnh mẽ của những người trẻ tuổi Việt Nam, nêu cao tinh thần yêu nước chống ngoại xâm, chống độc tài toàn trị...  Có nhiều người đặt câu hỏi đến bao giờ đất nước chúng ta mới có dân chủ nhân quyền, người dân có quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do đi lại, tự do biểu tình, tự do lập đảng phái, tự do buôn bán kinh doanh, tự do làm giàu, tự do tư hữu tài sản cá nhân, tự do bầu cử, ứng cử, tự do tôn giáo, tự do học hành, tự do khiếu kiện… ”

Câu trả lời là của 90 triệu người dân trong nước. Xin Ơn Trên Trời Phật phù hộ cho nước Việt Nam của chúng tôi mau chóng thoát khỏi họa cộng sản và đại họa diệt vong!

 


No comments:

Post a Comment