Tuesday, March 26, 2019

TƯỞNG NIỆM NGÀY MẤT NƯỚC 30-4-1975


ĐẤT NƯỚC MẤT, MẤT THEO NƯỚC
THÀNH MẤT, MẤT THEO THÀNH




Theo gương người xưa, sau khi miền Nam thất thủ vào tay cộng sản ngày 30-4-1975 có nhiều vị phục vụ trong chính quyền và quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã coi trọng danh dự, thà chết chớ không chịu đầu hàng đã nói lên phần nào tính chính danh, chính nghĩa của chế độ mà quý vị ấy từng phục vụ, không sống chung với Cộng Sản, thành phần dân sự thì có cựu Ngoại Trưởng Trần Chánh Thành tuẫn tiết bằng thuốc ngủ tại nhà riêng đêm 2 rạng 3 tháng 5 năm 1975, nhiều quân nhân các cấp Quân lực Việt Nam Cộng Hoà đã theo gương người xưa “Nước mất, mất theo nước. Thành mất, mất theo thành”.

Chúng ta có một danh sách quân nhân các cấp đã hiên ngang đi vào hồn thiêng sông núi trước, trong và sau ngày 30/4/1975 tự chọn cho mình một cái chết hào hùng tròn tiết nghĩa:






Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư Lệnh Quân Ðoàn 4 (1927-1975)
Vào lúc 11 giờ 30, ngày 30.04.75, Thiếu Tướng Nam sau khi từ giã các binh sỉ đã tự kết liễu đời mình.
Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Phó Quân Ðoàn 4 (1933-1975 )
Tướng Hưng đã được vinh danh “Anh Hùng An Lộc” trong mùa hè đỏ lửa 1972 ở chiến trường An Lộc Bình long. Tướng Hưng đã tự sát vào tối ngày ngày 30-04-75 tại văn phòng riêng ở bộ chỉ huy phụ của Quân đoàn 4 (đồng thời là nơi gia đình Tướng Hưng tạm cư trú), sau khi nói lời từ giã với gia đình và bắt tay từ biệt tất cả quân sĩ bảo vệ bộ chỉ huy. Sau đó, ông đã quay vào văn phòng, khóa chặt cửa và tự sát bằng súng lục vào lúc 8 giờ 45 phút tối.
Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ, Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh (1933-1975)
Sau khi nhận được lệnh phải đầu hàng, Tướng Vỹ đã tự sát bằng súng lục vào lúc 11 giờ, ngày 30-04-75 tại tổng hành dinh ở Lai Khê.
Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, Tư Lệnh Sư Ðoàn 7 Bộ Binh (1925-1975)
Vào đêm ngày 30-04-75, Thiếu Tướng Hai đã tự sát tại trung tâm Ðồng Tâm.
Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Ðoàn 2 (1928-1975)
Thiếu Tướng Phú là người trách nhiệm trong cuộc hành quân triệt thoái quân dân khòi ba tỉnh Cao Nguyên, đã bị thất bại nặng nề và đau đớn nhất trong quân sử cận đại. Tướng Phú tự tử tại nhà vào ngày 30-04-75.
Ðại Tá Ðặng Sĩ Vinh
Trưởng Ban Binh Địa P2 Bộ TTM, sau biệt phái qua Cảnh Sát, tự sát bằng súng lục cùng vợ và 7 con vào lúc 2 giờ ngày 30-04-75, hai tiếng đồng hồ sau khi Dương Văn Minh ra lịnh đầu hàng.


Trung Tá Cảnh Sát Nguyễn Văn Long
Trung Tá Cảnh Sát Quốc Gia Nguyễn văn Long tuẫn tiết ngày 30-4-75, khiến hàng triệu người trên thế giới tự do kính phục. Tất cả truyền hình trên thế giới đều chiếu đi chiếu lại hình một người sĩ quan Cảnh sát VNCH nghiêm chỉnh đứng trước tượng đài Thủy Quân Luc Chiến đưa tay lên chào và cầm khẩu súng lục đưa vào màn tang và bóp cò gục xuống tại chỗ, máu trên đầu chảy lan trên đất, một người dân đã đặt hai tay ông ngay ngắn trên bụng và chiếc mũ cảnh sát lên ngực ông.
Đại Tá Nguyễn Hữu Thông, Trung đoàn trưởng 42 Bộ Binh, Sư Đoàn 22 Bộ Binh- khóa 16 Đà Lat, tự sát tại Quy Nhơn ngày 31-3-1975.
Hải Quân Thiếu Tá Lê Anh Tuấn, bào đệ của Trung Tướng Lê Nguyên Khang, đã dùng súng colt tự bắn vào đầu mình, tuẫn tiết đêm 30-4-1975.
Thiếu Tá Không Quân Nguyễn Gia Tập, đặc trách khu trục tại Bộ Tư Lệnh KQ tự sát bằng súng lục trước sân cờ ngày 30-4-75 tại BTLKQ.
Trung Tá Nguyễn Đình Chi, Phụ Tá Chánh sở 3 ANQĐ – Cục An Ninh Quân Đội. Tự sát ngày 30-4-1975 tại Cục An Ninh
Trung Tá Phạm Đức Lợi, phụ tá Trưởng Khối Không Ảnh P2/ Bộ TTM.  Ông là nhà văn, nhà thơ, soạn kịch, bút danh: Phạm Việt Châu, cựu giảng viên Trường Sinh ngữ quân đội. Trưởng phái đoàn VNCH thực hiện HĐ Paris tại Hà Nội. Tuẫn tiết ngày 1-5-1975.
Trung Tá Vũ Đình Duy, Trưởng Đoàn 66/ Đơn vị 101, tự sát ngày 30-4-1975.
Trung Tá Nguyễn Văn Hoàn, Trưởng Đoàn 67/ Đơn vị 101. Tự sát ngày 30-4-1975.
Hải Quân Trung Tá Hà Ngọc Lương, Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang. Tự sát bằng súng ngày 28-4-1975 cùng vợlà bà Lê Thị Kỳ Duyên , 2 người con và người cháu tại phòng Văn Hóa Vụ ở Nha Trang.
Thiếu Tá Mã Thành Liên (Nghĩa), Tiểu đoàn trưởng 411ĐP, TK Bạc Liêu- khoá 10 Đà Lạt, tự sát cùng vợ ngày 30-4-1975.
Thiếu Tá Lương Bông, Phó ty An Ninh Quân Đội Cần Thơ- Phong Dinh. Tự sát ngày 30-4-1975.
Thiếu Tá Đỗ Văn Phát: Quận trưởng kiêm Chi Khu trưởng Thạnh Trị, tỉnh Ba Xuyên. Tuẫn tiết ngày 1-5-1975.
Thiếu Tá Nguyễn Văn Phúc Tiểu đoàn trưởng Địa phương quân, Tiểu khu Hậu Nghĩa. Tuẫn tiết ngày 29-4-1975.
Thiếu Tá Trần Thế Anh, đơn vị 101. Tuẫn tiết ngày 30-4-1975.
Thiếu Tá Đỗ Minh Hoàng: Chỉ Huy trưởng Cảnh Sát Quốc Gia Quận Bình Phước, tỉnh Long An. Tuẫn tiết tại Cầu Quay thuộc Mỹ Tho, ngày 30-4-1975.
Đại Úy Vũ Khắc Cẩn, Ban 3, Tiểu Khu Quảng Ngãi. Tuẫn tiết ngày 30-4-1975.
Đại Úy Tạ Hữu Di, tiểu đoàn phó 211 Pháo Binh Chương Thiện. Tự sát ngày 30-4-1975.
Trung Úy CSQG Nguyễn Văn Cảnh, Trưởng cuộc Vân Đồn, Q.8. Tự sát ngày 30-4-1975.
Chuẩn Úy Đỗ Công Chính, TĐ 12 Nhảy Dù. Tự sát ngày 30-4-1975 tại cầu Phan Thanh Giản.
Trung Sĩ Trần Minh, gác Bộ Tổng Tham Mưu. Tự Sát ngày 30-4-1975.
Thiếu Tá Đỗ Văn Phát, Quận trưởng Thạnh Trị Ba Xuyên. Tuẫn tiết ngày 1-5-1975.
Thiếu Tá Nguyễn Văn Phúc, Tiểu đoàn trưởng, Tiểu Khu Hậu Nghĩa. Tuẫn tiết ngày 29/4/1975.
Trung Tá Phạm Thế Phiệt.  Tự sát ngày 30/4/1975.
Trung Tá Nguyễn Xuân Trân, Khoá 5 Thủ Đức, Ban Ước Tình Tình Báo P2 /Bộ TTM. Tự sát ngày 1-5-1975.
Đại Úy Nguyễn Văn Hựu, Trưởng Ban Văn Khố P2/Bộ TTM. Tự sát sáng 30-4-1975 tại P2/Bộ TTM.
Thiếu Úy Nguyễn Phụng, CS đặc biệt, tự sát ngày 30-4-1975 tại Thanh Đa, Sài Gòn.
Thiếu Úy Nhảy Dù Huỳnh Văn Thái, khoá 5/69 Thủ Đức, tự sát tập thể cùng 7 lính Nhảy Dù tại Ngã 6 Chợ Lớn ngày 30-4-1975.
Trung Úy Đặng Trần Vinh, con của Thiếu Tá Đặng Sĩ Vinh, P2 BTTM. Tự sát cùng vợ con ngày 30-4-1975.
Trung Úy Nghiêm Viết Thảo, An Ninh Quân Đội, khóa 1/70 Thủ Đức. Tự sát ngày 30-4-1975 tại Kiến Hòa
Thiếu Úy Nguyễn Thanh Quan (Quan Đen), Phi công PĐ 110 Quan Sát (khóa 72). Tự sát chiều 30-4-1975.
Hồ Chí Tâm  B2, TĐ 490 ĐP ( Mãnh Sư) TK Ba Xuyên (Cà Mau). Tự sát bằng súng M16 trưa ngày 30-4-1975 tại Đầm Cùn, Cà Mau.
Thượng Sĩ Phạm Xuân Thanh, trường Truyền Tin Vũng Tàu. Tự sát ngày 30-4-1975 tại Vũng Tàu.
Thượng Sĩ Bùi Quang Bộ, trường Truyền Tin Vũng Tàu. Tự sát ngày 30/4/1975 cùng gia đình 9 người tại Vũng Tàu.




  
Những chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến “thà chết không hàng!” đã ngồi thành những vòng tròn nhỏ, vài quả lựu đạn nổ tung ở giữa, và những chiến sĩ Mũ xanh đã trở thành những Anh hùng Vô Danh, xác nguời chết gục trong tư thế cúi gập người lại với nhau, những mái đầu xanh như chụm lại với nhau, cũng có xác bị xô lệch khỏi trật tự nầy, toàn những khuôn mặt thật trẻ trung bình chỉ trong khoảng vừa trên 20 tuổi trên bãi biển Thuận An vào tháng 3/ 1975.

Và còn rất nhiều rất nhiều tấm gương sáng của những người anh hùng QLVNCH.

Quý vị đã vĩnh viễn ra đi nhưng không bao giờ chết trong trái tim của con dân miền Nam Việt Nam yêu chuộng Tự Do.


NHÌN LẠI HÀNG NGŨ QUÂN ĐỘI TRÊN THẾ GIỚI, CÓ QUÂN ĐỘI NÀO BẤT HẠNH NHƯNG OAI HÙNG HƠN QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA?


Lê Châu An Thuận

Biên soạn lại theo nhiều tài liệu hiện đang có được.


30-4-1975: HỎA VẬN HẠM HQ.472 TRONG NHỮNG THÁNG NGÀY CUỐI CỦA CUỘC CHIẾN

http://hoangsaparacels.blogspot.com/2019/04/hoa-van-ham-hq-472-trong-nhung-ngay.html#more
http://camtran11.6te.net/hqtext/achdttxt.html


MẤT NƯỚC LÀ MẤT TẤT CẢ! ĐỪNG BAO GIỜ TRÔNG CHỜ VÀO SỰ BAO DUNG ĐỘ LƯỢNG CỦA ĐỐI PHƯƠNG, DÙ ĐỐI PHƯƠNG ĐÓ LÀ NGƯỜI CÙNG MÀU DA, CÙNG TIẾNG NÓI VỚI MÌNH!



Đang là Hạm trưởng Hỏa Vận Hạm - HQ. 472, thì vào đầu tháng 2 năm 1975, tôi nhận Lệnh thuyên chuyển về làm Thuyền trưởng cho hãng tàu Vishipco Lines, và chờ vị Hạm Trưởng mới đến thay thế tôi; đến giờ nầy tôi vẫn còn giữ LTC làm “kỷ vật”. Tiếc thay vị đó lại đi học khóa Tham mưu cao cấp, một vị khác lại được chỉ định đến thay thế cho tôi, nhưng không biết vì lý do gì cũng chưa trình diện BTL/Hạm Đội để nhận công tác. Ông Chỉ Huy Trưởng Hải Đội động viên tôi đi thêm một chuyến công tác. Từ cực nam của miền Nam chúng tôi “dong ruỗi” trên con đường tiếp tế cho từng vùng để các đơn vị, các chiến hạm có đủ nhiên liệu hoạt động trên biển. Từ An Thới, Phú Quốc chúng tôi bom đầy cho Căn cứ Yểm Trợ Tiếp vận và các chiến hạm hoạt động trong vùng; ghé qua Côn Sơn tiếp tục nhiệm vụ của mình và trực chỉ Vũng Tàu để vào Cát Lỡ lấy dầu và tiếp tế cho các chiến hạm đang neo đậu tại đây.

Nhận được lịnh ra Qui Nhơn để tiếp tế cho các chiến hạm từ Vùng I Duyên Hải trên đường xuôi nam. Tình hình chiến sự trong đất liền thì càng lúc khó khăn cho miền Nam, tinh thần anh em dưới tàu của tôi không có biểu hiện hoang mang hay lo sợ. Tôi vững lòng vì mọi người trong chúng tôi hiểu lẫn nhau và đã cùng nhau chia sẻ mọi khó khăn trong một thời gian tương đối khá dài.

Từ nhiều nguồn quân sự và dân sự tôi biết chắc rằng miền Nam Việt Nam đang trải qua những ngày tháng đen tối, từ sai lầm chiến lược và chiến thuật, chúng ta khó có thể đảo ngược và gìn giữ sự nguyên vẹn của miền Nam như trước đây. Giải pháp chính trị nào cho Việt Nam đây? Thi hành Hiệp định Paris? Đành chờ và xem!


Tôi và anh em trên tàu phải làm tròn trách nhiệm mà mình đang gánh trên vai, tuy nhỏ nhoi nhưng chúng tôi phải làm tốt để cuộc triệt thoái được thành công. Ngày 21/3/1975 sau khi vào lấy dầu tối đa có thể tại Căn cứ xăng dầu của Quân vận tại Qui Nhơn, tôi ra lệnh anh em phải cẩn thận vì tối hôm trước đó người nhái Việt cộng toan tính đặt mìn tàu bịnh viện hạm HQ.400 nhưng may mắn anh em phát hiện và bắt được hai người, chúng tôi ra neo ở ngoài cảng và cho một số anh em ra phố đi chợ vì thực phẩm trên tàu đã cạn kiệt; anh em đi chợ về cho biết thành phố gần như bỏ ngõ, chỉ lèo tèo vài anh cảnh sát còn phụ trách lưu thông trên đường phố.

Tôi nhận được yêu cầu từ Hộ tống hạm HQ. 08 đến tiếp tế dầu; tôi được biết Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư Lịnh Vùng I Duyên Hải đang trên chiến hạm nầy. Tôi gặp anh Nguyễn Trường Yên, Hạm trưởng, anh là một trong ba bốn anh cùng khóa 15 rất xuất sắc và đảm nhiệm chức vụ Hạm trưởng trên các chiến hạm lớn sớm nhất của Hạm đội. Tôi lên đài chỉ huy của chiến hạm trình diện Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, và nhận thấy ông đang mặc jacket hải quân và trên mặt có vết sước nhẹ. Trọng tâm của ông trong lúc nầy là rước càng nhiều càng tốt anh em binh sĩ Sư đoàn 3 Bộ binh và hướng dẫn các đơn vị chiến hạm, chiến thuyền của vùng I về Vũng Tàu.

Tách khỏi chiến hạm HQ. 08, thì vào lúc 1:00 chiều ngày 31 tháng 3 năm 1975, chúng tôi đón tiếp HQ. Đại tá Nguyễn Công Hội, Tư Lịnh phó Vùng I Duyên Hải lên chiến hạm chúng tôi để chỉ huy đơn vị trưởng các chiến đỉnh của vùng tập trung lại để cùng về Vũng Tàu. Tôi và ông có quan hệ trong công tác, trước đây ông là Chỉ huy trường Hải đội Tuần Duyên và tôi là Hạm trưởng một chiếc PGM dưới quyền ông; sau nầy khi ông về vùng I thì tôi lại trình diện ông mỗi khi công tác ở đây. Ông là người trầm tĩnh, ít nói, có kinh nghiệm chỉ huy cao.


Đồng thời chúng tôi cũng có chở Thiếu Tướng Nguyễn Duy Hinh và các Sĩ quan Tham mưu của ông trên chiến hạm của chúng tôi. Mọi người đều lo lắng cho các đơn vị và binh sĩ dưới quyền. Binh lính của Sư đoàn 3 Bộ binh có mặt trên tàu khá đông song anh em giữ kỷ luật rất tốt. 
Đính kèm là trang số 40 của Nhật Ký Tư Lệnh do Thiếu Tướng Nguyễn Duy Hinh viết:”Tôi cùng đại tạ Hội, tư lệnh phó Vùng I Duyên hải sang tàu dầu 542 [ đính chánh 472] (hạm trưởng trung úy An Thuận [đính chánh đại úy]) cùng một đoàn tàu nhỏ đi về Cam Ranh.
Sau cùng thì cả đoàn tàu đã về đến Cam Ranh an toàn. Các vị quan khách lần lượt rời chiến hạm, trả lại không gian an bình và sinh hoạt bình thường cho chúng tôi. Trong suốt thời gian qua vì cùng phụ giúp các vị tướng, tá chỉ huy trên tàu nên tôi chỉ ngủ được chừng một tiếng đồng hồ/ngày. Café và trà là nguồn trợ lực rất quý giá cho tôi, ăn uống chỉ là phụ.  Ai nấy đều như “xác không hồn”.

Sáng sớm ngày 2 tháng 4 năm 75, chiến hạm được lệnh rời Cam Ranh lên đường về Vũng Tàu để chuẩn bị vào lại Căn cứ Yểm trợ Tiếp Vận Cát Lở lấy dầu; về đến Vũng Tàu ngày 4 tháng 4 năm 1975. Tiếp tế dầu và nước cho các chiến hạm đang neo đậu tại Vũng Tàu, nhưng vì tình trạng kỹ thuật tàu của chúng tôi quá tệ, nên lệnh cho chúng tôi neo tại chỗ để các cơ xưởng hạm có mặt ở đây sửa chửa những hư hỏng kỹ thuật cho chúng tôi. Quyết định sau cùng là phải vào Ba Son để sửa chữa vì các cơ xưởng hạm ở đây không có các bộ phận thay thế. Anh em có thân nhân ở Saigon hoặc ở các vùng phụ cận, và bản thân tôi, chỉ mong được về Saigon sau một chuyến công tác dài ngày trên biển từ cực nam đến cực bắc duyên hải của miền Nam, và trong giai đoạn nghiêm trọng nầy của đất nước chúng tôi cũng còn có trách nhiệm với gia đình vợ con.
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đọc diễn văn từ chức trao quyền cho cụ Trần Văn Hương, anh em chúng tôi trên tàu biết rằng miền Nam của chúng ta đang trong một giai đoạn cực kỳ khó khăn và chắc chắn không đủ sức cầm cự được lâu.
Về đến Saigon chiều ngày 29 tháng 4 năm 1975, tôi cho anh em về nhà để mang gia đình vào sáng sớm ngày hôm sau, để số còn lại sẽ về nhà ngay, trong đó có tôi. Tối hôm đó thì thợ Ba Son xuống tháo ráp máy móc hư hỏng dưới tàu để đem về xưởng, cùng với anh em còn lại, chúng tôi theo dõi tiến trình sửa chữa; tôi lên BTL/Hạm Đội gặp sĩ quan trực để biết thêm tình hình hiện tại của Hải Quân và của đất nước, và gọi điện thoại về nhà, báo cho gia đình chuẩn bị sẳn sàng để ngay mai khi tôi về thì có thể rời nhà ngay. Những quyết định gấp rút và khó khăn vô cùng cho mọi người!

Ngày hôm sau khi tôi về nhà, đang loay quay kêu gọi người thân trong nhà chuẩn bị đi thì đã có lời kêu gọi hạ vũ khí, đầu hàng vô điều kiện của Tổng Thống Dương Văn Minh. Tôi và vợ tôi hy vọng vào các bạn tôi đang neo tàu buôn ngoài sông Saigon, vô ích và không có kết quả, cố gắng vào Cảng Saigon, kết quả cũng không có gì tốt hơn. 
Mặc dầu có nhiều cố gắng nhưng chúng tôi không thành công, thôi thì đành tự an ủi “không thành công thì cũng thành nhân” nhưng cái giá phải trả lại quá đắt là những năm tháng tù đày đói rách tại miền bắc, và bài học đầy máu và nước mắt mà tôi học được là:  Mất nước là mất tất cả, đừng bao giờ trông chờ vào sự bao dung độ lượng của đối phương, dù đối phương đó là người cùng màu da, cùng tiếng nói với mình!

Cũng trong khoảng thời gian đó, nhiều nước thuộc địa khác không cần hy sinh hơn hai triệu con dân của mình và mất 20 năm nội chiến để giành độc lập cho xứ sở của mình; họ không ngu dại để “chúng ta đánh đây là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc”, phát biểu của Lê Duẩn; nước Đức thống nhất không có đổ máu, không có phân biệt đối xử quốc gia hay cộng sản, người dân Tây Đức hy sinh tiền của để cưu mang người dân Đông Đức và cả nước cùng nhau xây dựng đất nước giàu mạnh như ngày hôm nay, và đương kim thủ tướng Đức là một chính trị gia xuất thân từ nửa nước Đức “hậu cộng sản”... Vậy ai khôn hơn ai?

Vận nước đến hồi đổi thay để mọi người dân miền Nam cùng chia sẻ với dân miền Bắc, cùng nhau chạm mặt chế độ cộng sản, một chế độ đàn áp có hệ thống các quyền tự do biểu đạt, tự do lập hội và tập hợp hòa bình và sẵn sàng trấn áp những ai dám kêu gọi dân chủ, tự do.


Giờ đây giới trẻ đã có ý thức rằng họ phải bảo vệ tổ quốc, và họ đã và đang dấn thân trong việc thực thi dân chủ và thúc đẩy nhân quyền tại Việt Nam, bắt đầu tiến trình thoát khỏi chế độ cộng sản cầm quyển với bản tánh ích kỷ, vô lương. Hy vọng đây là mở đầu cho một giai đoạn mới cho tuổi trẻ thức tỉnh và vùng lên để lấy lại chính nghĩa cho tổ quốc.

Lê Châu An Thuận
nhớ những ngày tháng 3 và tháng 4 năm 1975