Friday, November 15, 2019

DƯ ÂM MỘT CHUYẾN ĐI XA

Phần 4: Trở ngại kỹ thuật không ngờ đến - Chia sẻ cùng các bạn.
Khu Vực Nghỉ Dọc Đường tại thành phố Denison, tiểu bang Texas.
music courtesy of NhacCuaTui


Tôi quay những clip nho nhỏ và nhờ Movie Maker nối lại và lồng nhạc cho vui cho một chủ đề nào đó.
Về lại Minnesota lần nầy người con trai mua cho một iphone khác và tôi không hiểu tại điện thoại mới hay tại IOS mới vừa download xuống mà khi tôi mở một clip ngắn nào đó thì tôi nhận được lời nhắn như:"Mising codec - Thí item was encoded in a format that's not supported..." và kế tiếp là đòi tiền để giúp đở cho mở clip ra và trả tiền $0.99. Số tiền trên không lớn nhưng phải cho họ số thẻ tín dụng thì không vui chút nào. Tôi học nơi họ vì họ cho biết clip tôi quay đang là dạng HEVC, High Efficiency Video Coding.






Tôi vào nhà ông thầy Google và thấy có nhiều website cho chuyển đổi miễn phí và trang dưới đây hợp lý vì chúng ta chuyển đổi trực tiếp trên mạng luôn: https://www.onlineconverter.com/hevc-to-mp4.


Nhờ đó tôi có được clip dưới đây để khoe Khu Vực Nghỉ Dọc Đường đầu tiên khi từ Oklahoma về đến Texas với các bạn...




Thursday, October 24, 2019

DƯ ÂM MỘT CHUYẾN ĐI XA

DƯ ÂM MỘT CHUYẾN ĐI XA

Phần 3: Khu Vực Nghỉ Dọc Đường - Rest Area
Music courtesy of NhacCuaTui



Nếu chúng ta chạy xe trên xa lộ cho một chặng đường dài từ 300 miles trở lên thì nhu cầu có một Khu Vực Nghỉ Dọc Đường là rất cần thiết, nhất là với các cụ cao niên.


Thực ra thì trên lộ trình chạy xuyên bang mọi người đều có thể dừng chân và dùng nhà vệ sinh của các cây xăng hay những tiệm ăn dọc đường, mà không cần phải đổ xăng hay mua bất cứ thứ gì của cây xăng. Có cây xăng còn có nơi để chúng ta tắm có trả hoặc không có trả tiền. Như chúng tôi chẳng hạn khi gặp bác sĩ gia đình và đề cập đến một chuyến đi xa thì người bác sĩ nhắc nhở ngay là nên dừng chân nghỉ dọc đường càng nhiều càng tốt để bước ra khỏi xe và vận động.

Khu Vực Nghỉ Dọc Đường được mở cửa 24/7 ngoại trừ cần phải sửa chữa và có thông báo trước. Chúng ta có thể biết được các khu vực nầy khi đọc bản đồ, và chúng ta không phải trả bất cứ lệ phí nào cho dịch vụ mà địa phương phụ trách cung cấp cho chúng ta, họ có trách nhiệm giữ cho khu vực nầy trong và ngoài sạch sẽ và đẹp đẽ cho khách vãng lai.

Khi ngừng xe tại các Khu Vực Nghỉ Dọc Đường, chúng ta có dịp đi bộ "thẳng chân", vận động đúng nghĩa vì khu vực nầy rất rộng và có đủ chỗ cho chúng ta hoạt động, có cây cảnh đẹp, có hồ nhỏ, có những cây cảnh và những cây cổ thụ, có chỗ cho chúng ta bày thức ăn ra cho một gia đình ngồi nghỉ ăn uống và trò chuyện mọi thứ trên đời, có khu vực dành riêng cho thú cưng của các bạn nghỉ và vui chơi.


Khu Vực Nghỉ Dọc Đường có internet để khách có thể đọc hoặc gởi email, có bảng báo tin tức khí tượng, giao thông đoạn đường sắp đi qua, có bản đồ với tọa độ chính xác cho chúng ta biết đang ở đâu trong vùng, có phòng trưng bày về lịch sử của địa phương, về một phát minh khoa học nào đó, vế bộ lạc trong khu vực, có những thiện nguyện viên sẳn sàng trả lời mọi câu hỏi liên quan đến thắng cảnh trong vùng, có tặng bản đồ miễn phí cho du khách cần đến, có máy bán thức ăn nước uống, hình ảnh lưu niệm giá cả bình thường không có cảnh chặt chém.


Tại một số Khu Vực Nghỉ Dọc Đường người ta có báo cho chúng ta biết là khu vực nầy an toàn vào ban đêm vì có bảo vệ tuần tra thường xuyên. Thông thường thì du khách khi lái xe xuyên bang không ai muốn nghỉ đêm tại Khu Vực Nghỉ Dọc Đường vì e ngại an toàn bản thân và người nhà cùng đi chung xe, nhưng có khi vì tính toán dỡ hoặc bất chợt không cưỡng nổi cơn buồn ngủ đang ụp xuống và sẽ nguy hiểm nếu tiếp tục lái xe trên đường nên đành vào khu vực nghỉ nầy để nhắm mắt đở trong vài giờ đồng hồ. Vào ban đêm thì đèn đuốc sáng trưng và không có gì phải e ngại.




Tôi viết bài nầy không có ý quảng cáo không công cho Khu Vực Nghỉ Dọc Đường tại Hoa Kỳ, vì đó là sự thật mà ai sinh sống tại đây đều biết rõ, song nhân đây nếu những người có trách nhiệm tại Việt Nam có vào đọc thì tôi khuyên các anh chị nên học hỏi cách tổ chức của người ta để phục vụ tốt cho đồng bào của mình.

Kỷ Niệm chuyến về thăm nhà tháng 10 năm 2019

DƯ ÂM MỘT CHUYẾN ĐI XA

DƯ ÂM MỘT CHUYẾN ĐI XA
Phần 2: Xứ Vạn Hồ

Khi nói đến tiểu bang Minnesota, người ta thường nghĩ ngay đến các sông hồ tại đây, người Mỹ thường nói và viết về Minnesota như "Land of 10,000 Lakes", cho nên người Việt Nam chúng ta định cư tại đây đã gọi tiểu bang nầy là Xứ Vạn Hồ, cái tên nghe rất hay và thơ mộng, có nhiều người còn gọi tiểu bang nầy là Xứ Lạnh Tình Nồng.


Thực tế số hồ chính thức của tiểu bang được xác nhận là 11,842 (có diện tích mặt nước từ 10 mẫu trở lên):
Những hồ nổi tiếng tại Minnesota như:
- Lake Superior hay Ngũ Đại Hồ mà chúng ta đã từng biết qua các bài học Địa Dư thuở trước, tổng cộng diện tích hồ nầy có 20,364,800 mẫu, và phần của tiểu bang Minnesota có 962,700 mẫu; tàu biển có thể vào thị trấn Duluth từ Đại Tây Dương;
- Mille Lacs Lake với sòng bài nổi tiếng có cùng tên - 132,516 mẫu;
- Lake Minnetonka - 14,004 mẫu;
- Medecine Lake - với diện tích mặt nước 936 mẫu...


Có dịp về lại Minnesota, tôi đã đi vòng quanh hồ và có clip ngắn nầy tặng các bạn.
Nếu Minnesota có Ngũ Đại Hồ nổi tiếng thế giới thì Minnesota cũng có con sông mà ai cũng biết, đó là sông Misissippi River dài 681.3 miles và còn có 32 con sông khác có chiều dài trên 100 miles, 19 con sông dài dưới 100 miles.

DƯ ÂM MỘT CHUYẾN ĐI XA

DƯ ÂM MỘT CHUYẾN ĐI XA
Phần 1: Giá xăng

Cách đây 3 năm thì mỗi năm vợ chồng tôi đều lái xe về thăm nhà tại tiểu bang Minnesota một hoặc hai lần. Hai vợ chồng tôi cùng lái và lái rất đều tay; người nầy mệt thì người kia thế ngay, và chạy được khoảng 600 miles, là nửa chặng đường về nhà là chúng tôi tìm khách sạn nghỉ qua đêm, sáng hôm sau chạy tiếp. Khách sạn dọc đường thì trên đường đi nhiều và không cần phải gọi đặc chỗ trước ngoại trừ những ngày lễ lớn thì nên gọi cho họ một tiếng hoặc đặc chỗ trên mạng trong trang nhà của khách sạn nơi thành phố mà mình dự định nghỉ đêm.


Việc đầu tiên cho một chuyến đi là đến nhờ một garage sửa xe xem lại tình trạng chiếc xe có an toàn cho chuyến đi xa không [tôi cẩn thận vì con tuấn mã của tôi là Honda Accord 6 máy và đời 2000, hiện đã 134.000 miles, trong gia đình ai cũng có lời nói là chúng tôi nên thay xe mới, tôi thì suy nghĩ tại sao phải thay khi xe còn tốt và tôi lại thích cái dạng của chiếc xe nầy]; kế tiếp là lo đổ xăng đầy để bớt số lần tấp vào cây xăng dọc đường. Tôi vào Sam's Club đổ đầy xăng và giá là 2.08 đồng/gallon, chạy khoảng 300 miles thì giá xăng là 2.19 đồng/gallon và về tới Minnesota thì giá xăng đã là $2.59/gallon. Nay về lại Houston thì giá xăng tại Walmart ngày hôm nay vẫn là $2.08/gallon. Thực tế dễ hiểu là tại Houston nơi chúng tôi đang sinh sống rất gần với thành phố Galveston với nhiều nhà máy lọc dầu.
Trong lần về lại Minnesota lần nầy tính mỗi chuyến bận đi và bận về tiền xăng là $128.00/chuyến.

Thuế lên xăng dầu chạy vào đâu?
Mỗi tiểu bang họ lấy thuế trên xăng dầu có khác nhau, thí dụ tại tiểu bang Minnesota, thuế xăng 46.5 cents/gallon, thuế diesel 52 cents/gallon, trong khi Texas 38.4 cents/gallon và 44.4 cents/gallon. Trung bình cho toàn quốc thì thuế xăng dầu là 37.4 cents/gallon, nộp cho Liên bang 19 cents và tiểu bang được nhận 18.4 cents.
Tiểu bang nào cũng vậy họ phải công khai chi tiêu tiền thuế của dân trước quốc hội tiểu bang/liên bang, không có điều khoản thuế nào là bí mật quốc gia/tiểu bang cả. Tựu trung tiền thuế có được từ thuế xăng dầu sẽ được dùng để sửa chữa đường xá và cầu cống. Chính quyền Liên bang và Tiểu bang phải cần trên 100 tỷ đô la hàng năm để sửa chửa và nâng cấp đường xá và cầu cống trên toàn 50 tiểu bang.

Phải nói con số trên không phải là nhỏ! Đóng thuế ở xứ sở nầy mình cảm thấy đồng tiền của mình được người ta xử dụng đúng chổ và để phục vụ lại cho mình, không có gì phải phàn nàn.

Wednesday, August 28, 2019

VÀI SUY NGHĨ VỀ CUỘC ĐỜI


VÀI SUY NGHĨ VỀ CUỘC ĐỜI
SOME THOUGHTS ON LIFE
book one

MỜI VÀO LINK DƯỚI ĐÂY:

Wednesday, August 21, 2019

- HỘI THOẠI CỘNG ĐỒNG -


THAM GIA 
HỘI THOẠI CỘNG ĐỒNG

TRẢ LỜI PHỎNG VẤN
ĐÀI TRUYỀN HÌNH abtv HOUSTON 55.4




















Tuesday, August 20, 2019

NHỮNG BÀI ĐÃ VIẾT

NHỮNG BÀI ĐÃ VIẾT
CÂY HỒNG DÒN







NGƯỜI VÔ GIA CƯ

Những bài đã viết: Xã hội/ Người Vô Gia Cư


Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn

Giống như hàng triệu triệu người tỵ nạn khác đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên quả đất, tôi nhập vào cuộc sống mới tại Hoa Kỳ với hai bàn tay trắng, sức khỏe yếu kém sau những năm tháng tù đày ở các trại tù cộng sản, phương tiện đi lại chưa có, tiếng Anh hạn chế, không có những kiến thức tối thiểu về hệ thống an sinh xã hội, luật pháp của Hoa Kỳ... chắc chắn gia đình của chúng tôi sẽ có những khó khăn nhất định khi hòa nhập vào xã hội mới.

Sau khi gặp gỡ với gia đình của những bạn bè và những người chưa hề quen đã qua Mỹ từ trước, tôi có phần phấn khởi vì mọi gia đình mà tôi gặp từ các em trong nhà đến những người Việt Nam khác, tất cả đều có cuộc sống ổn định và không quá than phiền về cuộc sống hiện tại, cả gia đình chúng tôi ngó về phía trước và lên kế hoạch để bước vào cuộc sống tại đây.

Với sự phấn đấu không ngừng nghỉ của các con tôi, các cháu lần lượt bước vào cửa của các trường đại học với những ngành nghề ham thích, vợ chồng tôi thì cố gắng với công việc của một người công nhân tại các hãng xưởng, không từ chối làm thêm giờ thêm việc. Dần dần cuộc sống của gia đình chúng tôi được ổn định và có chút ít dành dụm phòng thân khi có những biến cố bất ngờ xảy ra, như có lần tôi bị mất việc hơn 6 tháng trời, để có cuộc sống bình thường gia đình chúng tôi phải xài thêm vào tiền tiết kiệm đó cộng với tiền thất nghiệp hàng tháng ít oi của tôi.
Ngủ ở viã hè vào trời mùa đông Houston

Khi có cuộc sống tạm ổn định, tôi bắt đầu quan sát cuộc sống xung quanh tôi nhiều hơn. Khi còn ở Minnesota vào những ngày mùa đông, khi nhiệt độ xuống dưới -30°F, nhiều trung tâm mở cửa để đón những người vô gia cư có chỗ ngủ qua đêm, nhưng có lần đi làm tôi thấy 4 người nằm dưới gầm cầu của xa lộ vào mùa đông khắc nghiệt lạnh lẽo, tuyết thì đang tiếp tục rơi với cường độ mạnh, họ quấn chặt và trùm chặt trong các mền rách, không cần biết những gì đang xảy ra xung quanh mình..., thỉnh thoảng cũng có những người Mỹ trắng Mỹ đen xin tiền ở vĩa hè ở vài đường phố Minneapolis. Sau nầy do công việc làm của mình, tôi cũng có dịp vào những shelter dành cho những người vô gia cư và đã giúp cho hai người đồng hương có cuộc sống bình thường trở lại.

Trời mưa lạnh lẽo quá!

Có thể tạm đưa ra những lý do khiến một người bình thường trở thành một người thiếu nơi trú ngụ cố định, thường xuyên và thích hợp vào buổi đêm, đó là những người thất nghiệp dài hạn, có người đã từng tốt nghiệp từ các trường đại học, có người có tay nghề cao trong các ngành nghề khác nhau, có người chỉ là công nhân bình thường tại các hãng xưởng... họ phải lang thang khắp nơi tìm công ăn việc làm, nhưng gần như vô vọng trong thời buổi khủng hoảng kinh tế khi nạn thất nghiệp ngày càng trầm trọng ở Mỹ. Tuyệt vọng nên họ buông thả, nghiện ngập ma túy và rượu mạnh..., phạm tội hình sự, bị gia đình ruồng bỏ vì không thể tiếp tục cưu mang nổi nữa, và ngày càng lún sâu trong vũng bùn lầy nhơ bẩn để rồi phó mặc cho... đời lạnh lùng trôi theo dòng nước mắt...

Gió rất là mạnh và may mắn mưa vừa tạnh

Thời gian trước đây khi mà nền kinh tế thế giới và của Hoa Kỳ phát triển khá tốt đẹp cũng đã có những người xin tiền ngoài đường, và trong lúc kinh tế toàn cầu gặp cơn suy thoái trầm trọng thì số người thất nghiệp tăng nhanh, số người cần sự giúp đở của các loại trợ cấp cũng tăng không kém, số người vô gia cư đứng các ngã tư của các trục lộ giao thông càng lúc càng nhiều. Thôi thì đủ các sắc dân màu da, tuyệt nhiên tôi không bao giờ gặp người Việt Nam, đó là điều đáng mừng. Có lần tôi chở vợ tôi đi chợ Tân Bình trong khu vực tượng đài Việt Mỹ ở Houston, Texas, chúng tôi có gặp một thanh niên đồng hương đang ngồi ở trên cái băng ghế trước chợ. Anh ấy không xin gì của ai cả, ngồi đó và con chó được quấn một cái áo ấm, xúm xít quây quần dưới chân anh, anh ta vừa vuốt ve con chó vừa xé bánh mì vụn ra để liệng cho đàn bồ câu ăn. Tôi thì ngồi trên xe đang đậu sát chỗ anh ngồi, vì chờ đợi vợ tôi khá lâu nên tôi ra khỏi xe và tấp lại nói chuyện với anh, và được biết anh ta qua Mỹ hồi năm 1975 lúc còn rất nhỏ. Sau nầy có công ăn việc làm đàng hoàng, có chỗ ở đàng hoàng nhưng đùng một cái bị mất việc, cố gắng kiếm một việc làm khác nhưng không cách gì có được việc làm ổn định như trước kia. Theo đám bạn bè mới để hy vọng họ giúp kiếm được một việc làm, nhưng việc làm không thấy lại lao vào vòng nghiện ma túy. Bị cảnh sát bắt và từ đó con đường sống của một con người bình thường đã bị khóa chặt không cho anh trở lại. Rất tiếc cho anh vì đã đến được và đã sống ở một nước tự do đầy cơ hội mà bị bó tay, lâm vào cảnh vô gia cư!!! Ở đây người ta kỵ nhất là phạm tội, một xã hội trông rất là đầy tình người nhưng kỷ luật lại quá khắt khe. Nhiều khi tôi nghĩ nếu như vậy lại càng đẩy người ta vào chỗ cùng đường, kẻ đã cùng đường lại dễ sa chân phạm tội.


Có nên giúp đỡ những người vô gia cư không? Câu trả lời hoàn toàn tuỳ thuộc vào bạn. Một số người thì quan niệm rằng người khỏe mạnh phải đi làm dù có vất vả cách mấy cũng phải đi làm, đi làm để có tiền nuôi sống bản thân và gia đình, không thể nào một người lành mạnh mà cầm cái bảng nhỏ với các chữ như “homeless – hungry – need help” thì ta phải giúp và cho tiền, dù không đáng là bao, dứt khoát nói không với những người đó. Người Mỹ ít khi cho tiền người vô gia cư, có lẻ họ cho là những người nầy là loại lười biếng.
Cá nhân tôi thì trong những lần gặp những người nầy xin tiền tại các ngã tư có đèn xanh đỏ thì tôi có cho họ tiền, không phải là để lấy tiếng tốt, lấy đức... không phải chút nào cả! nhưng tôi muốn chia sẻ phần nào cho những người nầy, tôi nghĩ không ai muốn mang tiếng là người ăn xin cả, cực chẳng đã chứ ai muốn làm cái nghề bị xúc phạm nặng nề đến nhân phẩm như vậy, vả lại họ cũng phải cần sống, cần được giúp đỡ, với một hoàn cảnh khó khăn không vượt qua được nên họ phải đứng ngoài đường như vậy và trông mong vào sự giúp đở của người khác. Cho hay không là tùy mình, tôi không bao giờ phê phán ai, và tôi cũng tôn trọng quan niệm của những người không cùng quan điểm với tôi. Mỗi lần cho tiền, tôi có nghe họ cầu chúc God bless youcầu Chúa ban ơn phước cho ông, họ còn biết tin Thượng Đế chắc là người tốt còn có lương tâm.
Được một cái là ở đây những người vô gia cư không chết đói vì họ đã có nơi ăn, chỗ uống. Rải rác trong các thành phố, thường có những trung tâm thiện nguyện cung cấp thực phẩm, quần áo cho những người vô gia cư. Những trung tâm này thường do những nhà thờ điều hành, với ngân quỹ một phần từ chính phủ tài trợ, một phần do các người hảo tâm đóng góp. Hằng năm, vào dịp lễ Tạ Ơn, Giáng Sinh, và Tết Dương Lịch, những trung tâm nầy còn cung cấp một bữa ăn gồm gà tây, thịt heo và những món khác để phần nào giúp những người kém may mắn hưởng được không khí của những ngày lễ.
Khâu chuẩn bị 

Khâu chuẩn bị

Ở Houston nầy có nhiều gia đình kết hợp với các tiệm ăn Việt Nam âm thầm giúp cho những người vô gia cư. Trong một dịp tình cờ tôi được một đồng hương Cần Giuộc vừa là bạn thân, đó là anh Hiền giới thiệu cho tôi gặp anh chị Tấn. Anh chị Tấn rất nhiệt tình, có nhiều bạn và tất cả các anh chị đã giúp cho những người vô gia cư tại đây rất nhiều lần, tôi và anh Hiền xin tham gia đóng góp một ít tài chính và đã đến nhà của các anh để phụ chuẩn bị bánh mì để các anh chị và các cháu thiện nguyện viên trẻ mang vào phố tặng cho những người người vô gia cư. Vì bận rộn vào buổi chiều nên chúng tôi không có cơ hội vào phố Houston, nhưng được các anh chị gửi cho một số hình ảnh và tôi sẽ đưa lên để bạn đọc cùng xem các hoạt động của nhóm thiện nguyện đầy nhiệt huyết nầy.
Mỗi phần ăn gồm có: 1 bánh mì có paté, jambon nhét đầy, trái cây, bánh cookie, 1 túi chip, 1 lon nước ngọt. Quý anh chị đã thực hiện 306 phần ăn. Tất cả đã được phân phát cho những người cần đến. Người tặng và người nhận đều vui vẻ. Nhìn những món quà tuy khiêm nhường trên tay của những người Mỹ to lớn, nhưng gói ghém tình yêu thương đồng loại của một số người âm thầm thực hiện. Bao nhiêu công sức của các anh chị từ tính toán sao cho đủ với hiện vật hiện kim đang có, đi chợ sao cho rẻ nhưng có chất lượng, đưa quà vô bao giấy và vào các thùng carton sao cho gọn và nhanh để chở vào phố mà thức ăn còn ngon giòn.


Tuy làm được những công việc nhỏ nhặt nhưng lòng chúng ta thoải mái, đúng là hạnh phúc khi mang niềm vui cho người khác. Chúng ta cần phải dừng sự kỳ thị đối xử với những người vô gia cư, họ cần được hỗ trợ để cải thiện hoàn cảnh, và chúng ta hy vọng họ sẽ có được một cuộc sống tốt hơn sau nầy.

Một số hình ảnh hoạt động của nhóm thiện nguyện



Sau gần 40 năm ly hương, nhờ Ơn Trên Trời Phật phù hộ, nhờ ân đức của Tổ Hùng Vương và sự cố gắng của từng thành viên trong từng gia đình, đa số người Việt Nam sống xa quê hương đều có cuộc sống thành đạt, họ không những quay lại giúp đỡ đồng bào còn khó khăn trong nước mà còn giúp cho cộng đồng bản xứ nơi họ sinh sống.

Lê Châu An Thuận

Saturday, June 29, 2019

CÓ MỘT THỜI ĐỂ NHỚ

CÓ MỘT THỜI ĐỂ NHỚ
ONCE UPON A TIME...


Ngồi uống café một mình và nghe ông Duy Khánh hát bản nhạc "Một Mai Giã Từ Vũ Khí" do nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân sáng tác, và những câu làm tôi vô cùng xúc động như:


... Ta lại gặp ta, còn vòng tay
Mở rộng thương mến bao la
Chuông chùa làng xa, chiều lại vang
Bếp ai lên khói ấm tình thương

Bát cơm rau thắm mối tình quê
Có con trâu, có nương dâu
Thiên đường này mơ ước bao lâu.

THIÊN ĐƯỜNG NẦY MƠ ƯỚC BAO LÂU sao nó thắm thiết làm sao!
Nhớ lại một thời anh em chúng tôi mặc áo nhà binh, vẫy vùng trên biển cả để gìn giữ và bảo vệ vùng trời vùng biển trên Biển Đông, bảo vệ ngư dân Việt Nam trong vùng biển đặc quyền và thềm lục địa Việt Nam.
Thời thế có đổi thay nhưng chắc chắn một ngày không xa chúng ta sẽ có một nước Việt Nam dân chủ, văn minh, nhân ái xứng đáng với sự hy sinh của nhiều thế hệ, và chúng ta sẽ có dịp mở rộng vòng tay thương mến bao la...
Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam muôn năm.


Saturday, April 6, 2019

THÀ CHẾT KHÔNG HÀNG

Những ai đã chết vì sông núi
Sẽ sống muôn đời với núi sông

NHÌN LẠI HÀNG NGŨ QUÂN ĐỘI TRÊN THẾ GIỚI, CÓ QUÂN ĐỘI NÀO BẤT HẠNH NHƯNG OAI HÙNG HƠN QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA?

Những chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến “thà chết không hàng!” đã ngồi thành những vòng tròn nhỏ, vài quả lựu đạn nổ tung ở giữa, và những chiến sĩ Mũ xanh đã trở thành những Anh hùng Vô Danh, xác nguời chết gục trong tư thế cúi gập người lại với nhau, những mái đầu xanh như chụm lại với nhau, cũng có xác bị xô lệch khỏi trật tự nầy, toàn những khuôn mặt thật trẻ trung bình chỉ trong khoảng vừa trên 20 tuổi trên bãi biển Thuận An vào tháng 3/ 1975.







VIỆT NAM CỘNG HÒA TỰ DO BẤT DIỆT

VIỆT NAM CỘNG HÒA TỰ DO BẤT DIỆT

".... TƯỚNG MÀ KHÔNG GIỮ ĐƯỢC NƯỚC, KHÔNG BẢO VỆ ĐƯỢC THÀNH, THÌ PHẢI CHẾT THEO THÀNH".
Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng




VIỆT NAM CỘNG HÒA TỰ DO BẤT DIỆT

VIỆT NAM CỘNG HÒA TỰ DO BẤT DIỆT
Vì nước hy sinh – Vì dân chiến đấu!
- "Nếu Việt Minh thắng trong cuộc đấu tranh này, quốc gia thân yêu của chúng ta sẽ biến mất và nước chúng ta sẽ chỉ được đề cập đến như là một tỉnh phía nam của Trung Cộng".
Phát biểu của Tổng Thống Ngô Đình Diệm ngày 17 tháng Chín, 1955.
- "Đất nước còn còn tất cả, Đất nước mất [vào tay cộng sản] mất tất cả." Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.




Tuesday, March 26, 2019

TƯỞNG NIỆM NGÀY MẤT NƯỚC 30-4-1975


ĐẤT NƯỚC MẤT, MẤT THEO NƯỚC
THÀNH MẤT, MẤT THEO THÀNH




Theo gương người xưa, sau khi miền Nam thất thủ vào tay cộng sản ngày 30-4-1975 có nhiều vị phục vụ trong chính quyền và quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã coi trọng danh dự, thà chết chớ không chịu đầu hàng đã nói lên phần nào tính chính danh, chính nghĩa của chế độ mà quý vị ấy từng phục vụ, không sống chung với Cộng Sản, thành phần dân sự thì có cựu Ngoại Trưởng Trần Chánh Thành tuẫn tiết bằng thuốc ngủ tại nhà riêng đêm 2 rạng 3 tháng 5 năm 1975, nhiều quân nhân các cấp Quân lực Việt Nam Cộng Hoà đã theo gương người xưa “Nước mất, mất theo nước. Thành mất, mất theo thành”.

Chúng ta có một danh sách quân nhân các cấp đã hiên ngang đi vào hồn thiêng sông núi trước, trong và sau ngày 30/4/1975 tự chọn cho mình một cái chết hào hùng tròn tiết nghĩa:






Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư Lệnh Quân Ðoàn 4 (1927-1975)
Vào lúc 11 giờ 30, ngày 30.04.75, Thiếu Tướng Nam sau khi từ giã các binh sỉ đã tự kết liễu đời mình.
Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Phó Quân Ðoàn 4 (1933-1975 )
Tướng Hưng đã được vinh danh “Anh Hùng An Lộc” trong mùa hè đỏ lửa 1972 ở chiến trường An Lộc Bình long. Tướng Hưng đã tự sát vào tối ngày ngày 30-04-75 tại văn phòng riêng ở bộ chỉ huy phụ của Quân đoàn 4 (đồng thời là nơi gia đình Tướng Hưng tạm cư trú), sau khi nói lời từ giã với gia đình và bắt tay từ biệt tất cả quân sĩ bảo vệ bộ chỉ huy. Sau đó, ông đã quay vào văn phòng, khóa chặt cửa và tự sát bằng súng lục vào lúc 8 giờ 45 phút tối.
Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ, Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh (1933-1975)
Sau khi nhận được lệnh phải đầu hàng, Tướng Vỹ đã tự sát bằng súng lục vào lúc 11 giờ, ngày 30-04-75 tại tổng hành dinh ở Lai Khê.
Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, Tư Lệnh Sư Ðoàn 7 Bộ Binh (1925-1975)
Vào đêm ngày 30-04-75, Thiếu Tướng Hai đã tự sát tại trung tâm Ðồng Tâm.
Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Ðoàn 2 (1928-1975)
Thiếu Tướng Phú là người trách nhiệm trong cuộc hành quân triệt thoái quân dân khòi ba tỉnh Cao Nguyên, đã bị thất bại nặng nề và đau đớn nhất trong quân sử cận đại. Tướng Phú tự tử tại nhà vào ngày 30-04-75.
Ðại Tá Ðặng Sĩ Vinh
Trưởng Ban Binh Địa P2 Bộ TTM, sau biệt phái qua Cảnh Sát, tự sát bằng súng lục cùng vợ và 7 con vào lúc 2 giờ ngày 30-04-75, hai tiếng đồng hồ sau khi Dương Văn Minh ra lịnh đầu hàng.


Trung Tá Cảnh Sát Nguyễn Văn Long
Trung Tá Cảnh Sát Quốc Gia Nguyễn văn Long tuẫn tiết ngày 30-4-75, khiến hàng triệu người trên thế giới tự do kính phục. Tất cả truyền hình trên thế giới đều chiếu đi chiếu lại hình một người sĩ quan Cảnh sát VNCH nghiêm chỉnh đứng trước tượng đài Thủy Quân Luc Chiến đưa tay lên chào và cầm khẩu súng lục đưa vào màn tang và bóp cò gục xuống tại chỗ, máu trên đầu chảy lan trên đất, một người dân đã đặt hai tay ông ngay ngắn trên bụng và chiếc mũ cảnh sát lên ngực ông.
Đại Tá Nguyễn Hữu Thông, Trung đoàn trưởng 42 Bộ Binh, Sư Đoàn 22 Bộ Binh- khóa 16 Đà Lat, tự sát tại Quy Nhơn ngày 31-3-1975.
Hải Quân Thiếu Tá Lê Anh Tuấn, bào đệ của Trung Tướng Lê Nguyên Khang, đã dùng súng colt tự bắn vào đầu mình, tuẫn tiết đêm 30-4-1975.
Thiếu Tá Không Quân Nguyễn Gia Tập, đặc trách khu trục tại Bộ Tư Lệnh KQ tự sát bằng súng lục trước sân cờ ngày 30-4-75 tại BTLKQ.
Trung Tá Nguyễn Đình Chi, Phụ Tá Chánh sở 3 ANQĐ – Cục An Ninh Quân Đội. Tự sát ngày 30-4-1975 tại Cục An Ninh
Trung Tá Phạm Đức Lợi, phụ tá Trưởng Khối Không Ảnh P2/ Bộ TTM.  Ông là nhà văn, nhà thơ, soạn kịch, bút danh: Phạm Việt Châu, cựu giảng viên Trường Sinh ngữ quân đội. Trưởng phái đoàn VNCH thực hiện HĐ Paris tại Hà Nội. Tuẫn tiết ngày 1-5-1975.
Trung Tá Vũ Đình Duy, Trưởng Đoàn 66/ Đơn vị 101, tự sát ngày 30-4-1975.
Trung Tá Nguyễn Văn Hoàn, Trưởng Đoàn 67/ Đơn vị 101. Tự sát ngày 30-4-1975.
Hải Quân Trung Tá Hà Ngọc Lương, Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang. Tự sát bằng súng ngày 28-4-1975 cùng vợlà bà Lê Thị Kỳ Duyên , 2 người con và người cháu tại phòng Văn Hóa Vụ ở Nha Trang.
Thiếu Tá Mã Thành Liên (Nghĩa), Tiểu đoàn trưởng 411ĐP, TK Bạc Liêu- khoá 10 Đà Lạt, tự sát cùng vợ ngày 30-4-1975.
Thiếu Tá Lương Bông, Phó ty An Ninh Quân Đội Cần Thơ- Phong Dinh. Tự sát ngày 30-4-1975.
Thiếu Tá Đỗ Văn Phát: Quận trưởng kiêm Chi Khu trưởng Thạnh Trị, tỉnh Ba Xuyên. Tuẫn tiết ngày 1-5-1975.
Thiếu Tá Nguyễn Văn Phúc Tiểu đoàn trưởng Địa phương quân, Tiểu khu Hậu Nghĩa. Tuẫn tiết ngày 29-4-1975.
Thiếu Tá Trần Thế Anh, đơn vị 101. Tuẫn tiết ngày 30-4-1975.
Thiếu Tá Đỗ Minh Hoàng: Chỉ Huy trưởng Cảnh Sát Quốc Gia Quận Bình Phước, tỉnh Long An. Tuẫn tiết tại Cầu Quay thuộc Mỹ Tho, ngày 30-4-1975.
Đại Úy Vũ Khắc Cẩn, Ban 3, Tiểu Khu Quảng Ngãi. Tuẫn tiết ngày 30-4-1975.
Đại Úy Tạ Hữu Di, tiểu đoàn phó 211 Pháo Binh Chương Thiện. Tự sát ngày 30-4-1975.
Trung Úy CSQG Nguyễn Văn Cảnh, Trưởng cuộc Vân Đồn, Q.8. Tự sát ngày 30-4-1975.
Chuẩn Úy Đỗ Công Chính, TĐ 12 Nhảy Dù. Tự sát ngày 30-4-1975 tại cầu Phan Thanh Giản.
Trung Sĩ Trần Minh, gác Bộ Tổng Tham Mưu. Tự Sát ngày 30-4-1975.
Thiếu Tá Đỗ Văn Phát, Quận trưởng Thạnh Trị Ba Xuyên. Tuẫn tiết ngày 1-5-1975.
Thiếu Tá Nguyễn Văn Phúc, Tiểu đoàn trưởng, Tiểu Khu Hậu Nghĩa. Tuẫn tiết ngày 29/4/1975.
Trung Tá Phạm Thế Phiệt.  Tự sát ngày 30/4/1975.
Trung Tá Nguyễn Xuân Trân, Khoá 5 Thủ Đức, Ban Ước Tình Tình Báo P2 /Bộ TTM. Tự sát ngày 1-5-1975.
Đại Úy Nguyễn Văn Hựu, Trưởng Ban Văn Khố P2/Bộ TTM. Tự sát sáng 30-4-1975 tại P2/Bộ TTM.
Thiếu Úy Nguyễn Phụng, CS đặc biệt, tự sát ngày 30-4-1975 tại Thanh Đa, Sài Gòn.
Thiếu Úy Nhảy Dù Huỳnh Văn Thái, khoá 5/69 Thủ Đức, tự sát tập thể cùng 7 lính Nhảy Dù tại Ngã 6 Chợ Lớn ngày 30-4-1975.
Trung Úy Đặng Trần Vinh, con của Thiếu Tá Đặng Sĩ Vinh, P2 BTTM. Tự sát cùng vợ con ngày 30-4-1975.
Trung Úy Nghiêm Viết Thảo, An Ninh Quân Đội, khóa 1/70 Thủ Đức. Tự sát ngày 30-4-1975 tại Kiến Hòa
Thiếu Úy Nguyễn Thanh Quan (Quan Đen), Phi công PĐ 110 Quan Sát (khóa 72). Tự sát chiều 30-4-1975.
Hồ Chí Tâm  B2, TĐ 490 ĐP ( Mãnh Sư) TK Ba Xuyên (Cà Mau). Tự sát bằng súng M16 trưa ngày 30-4-1975 tại Đầm Cùn, Cà Mau.
Thượng Sĩ Phạm Xuân Thanh, trường Truyền Tin Vũng Tàu. Tự sát ngày 30-4-1975 tại Vũng Tàu.
Thượng Sĩ Bùi Quang Bộ, trường Truyền Tin Vũng Tàu. Tự sát ngày 30/4/1975 cùng gia đình 9 người tại Vũng Tàu.




  
Những chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến “thà chết không hàng!” đã ngồi thành những vòng tròn nhỏ, vài quả lựu đạn nổ tung ở giữa, và những chiến sĩ Mũ xanh đã trở thành những Anh hùng Vô Danh, xác nguời chết gục trong tư thế cúi gập người lại với nhau, những mái đầu xanh như chụm lại với nhau, cũng có xác bị xô lệch khỏi trật tự nầy, toàn những khuôn mặt thật trẻ trung bình chỉ trong khoảng vừa trên 20 tuổi trên bãi biển Thuận An vào tháng 3/ 1975.

Và còn rất nhiều rất nhiều tấm gương sáng của những người anh hùng QLVNCH.

Quý vị đã vĩnh viễn ra đi nhưng không bao giờ chết trong trái tim của con dân miền Nam Việt Nam yêu chuộng Tự Do.


NHÌN LẠI HÀNG NGŨ QUÂN ĐỘI TRÊN THẾ GIỚI, CÓ QUÂN ĐỘI NÀO BẤT HẠNH NHƯNG OAI HÙNG HƠN QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA?


Lê Châu An Thuận

Biên soạn lại theo nhiều tài liệu hiện đang có được.


30-4-1975: HỎA VẬN HẠM HQ.472 TRONG NHỮNG THÁNG NGÀY CUỐI CỦA CUỘC CHIẾN

http://hoangsaparacels.blogspot.com/2019/04/hoa-van-ham-hq-472-trong-nhung-ngay.html#more
http://camtran11.6te.net/hqtext/achdttxt.html


MẤT NƯỚC LÀ MẤT TẤT CẢ! ĐỪNG BAO GIỜ TRÔNG CHỜ VÀO SỰ BAO DUNG ĐỘ LƯỢNG CỦA ĐỐI PHƯƠNG, DÙ ĐỐI PHƯƠNG ĐÓ LÀ NGƯỜI CÙNG MÀU DA, CÙNG TIẾNG NÓI VỚI MÌNH!



Đang là Hạm trưởng Hỏa Vận Hạm - HQ. 472, thì vào đầu tháng 2 năm 1975, tôi nhận Lệnh thuyên chuyển về làm Thuyền trưởng cho hãng tàu Vishipco Lines, và chờ vị Hạm Trưởng mới đến thay thế tôi; đến giờ nầy tôi vẫn còn giữ LTC làm “kỷ vật”. Tiếc thay vị đó lại đi học khóa Tham mưu cao cấp, một vị khác lại được chỉ định đến thay thế cho tôi, nhưng không biết vì lý do gì cũng chưa trình diện BTL/Hạm Đội để nhận công tác. Ông Chỉ Huy Trưởng Hải Đội động viên tôi đi thêm một chuyến công tác. Từ cực nam của miền Nam chúng tôi “dong ruỗi” trên con đường tiếp tế cho từng vùng để các đơn vị, các chiến hạm có đủ nhiên liệu hoạt động trên biển. Từ An Thới, Phú Quốc chúng tôi bom đầy cho Căn cứ Yểm Trợ Tiếp vận và các chiến hạm hoạt động trong vùng; ghé qua Côn Sơn tiếp tục nhiệm vụ của mình và trực chỉ Vũng Tàu để vào Cát Lỡ lấy dầu và tiếp tế cho các chiến hạm đang neo đậu tại đây.

Nhận được lịnh ra Qui Nhơn để tiếp tế cho các chiến hạm từ Vùng I Duyên Hải trên đường xuôi nam. Tình hình chiến sự trong đất liền thì càng lúc khó khăn cho miền Nam, tinh thần anh em dưới tàu của tôi không có biểu hiện hoang mang hay lo sợ. Tôi vững lòng vì mọi người trong chúng tôi hiểu lẫn nhau và đã cùng nhau chia sẻ mọi khó khăn trong một thời gian tương đối khá dài.

Từ nhiều nguồn quân sự và dân sự tôi biết chắc rằng miền Nam Việt Nam đang trải qua những ngày tháng đen tối, từ sai lầm chiến lược và chiến thuật, chúng ta khó có thể đảo ngược và gìn giữ sự nguyên vẹn của miền Nam như trước đây. Giải pháp chính trị nào cho Việt Nam đây? Thi hành Hiệp định Paris? Đành chờ và xem!


Tôi và anh em trên tàu phải làm tròn trách nhiệm mà mình đang gánh trên vai, tuy nhỏ nhoi nhưng chúng tôi phải làm tốt để cuộc triệt thoái được thành công. Ngày 21/3/1975 sau khi vào lấy dầu tối đa có thể tại Căn cứ xăng dầu của Quân vận tại Qui Nhơn, tôi ra lệnh anh em phải cẩn thận vì tối hôm trước đó người nhái Việt cộng toan tính đặt mìn tàu bịnh viện hạm HQ.400 nhưng may mắn anh em phát hiện và bắt được hai người, chúng tôi ra neo ở ngoài cảng và cho một số anh em ra phố đi chợ vì thực phẩm trên tàu đã cạn kiệt; anh em đi chợ về cho biết thành phố gần như bỏ ngõ, chỉ lèo tèo vài anh cảnh sát còn phụ trách lưu thông trên đường phố.

Tôi nhận được yêu cầu từ Hộ tống hạm HQ. 08 đến tiếp tế dầu; tôi được biết Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư Lịnh Vùng I Duyên Hải đang trên chiến hạm nầy. Tôi gặp anh Nguyễn Trường Yên, Hạm trưởng, anh là một trong ba bốn anh cùng khóa 15 rất xuất sắc và đảm nhiệm chức vụ Hạm trưởng trên các chiến hạm lớn sớm nhất của Hạm đội. Tôi lên đài chỉ huy của chiến hạm trình diện Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, và nhận thấy ông đang mặc jacket hải quân và trên mặt có vết sước nhẹ. Trọng tâm của ông trong lúc nầy là rước càng nhiều càng tốt anh em binh sĩ Sư đoàn 3 Bộ binh và hướng dẫn các đơn vị chiến hạm, chiến thuyền của vùng I về Vũng Tàu.

Tách khỏi chiến hạm HQ. 08, thì vào lúc 1:00 chiều ngày 31 tháng 3 năm 1975, chúng tôi đón tiếp HQ. Đại tá Nguyễn Công Hội, Tư Lịnh phó Vùng I Duyên Hải lên chiến hạm chúng tôi để chỉ huy đơn vị trưởng các chiến đỉnh của vùng tập trung lại để cùng về Vũng Tàu. Tôi và ông có quan hệ trong công tác, trước đây ông là Chỉ huy trường Hải đội Tuần Duyên và tôi là Hạm trưởng một chiếc PGM dưới quyền ông; sau nầy khi ông về vùng I thì tôi lại trình diện ông mỗi khi công tác ở đây. Ông là người trầm tĩnh, ít nói, có kinh nghiệm chỉ huy cao.


Đồng thời chúng tôi cũng có chở Thiếu Tướng Nguyễn Duy Hinh và các Sĩ quan Tham mưu của ông trên chiến hạm của chúng tôi. Mọi người đều lo lắng cho các đơn vị và binh sĩ dưới quyền. Binh lính của Sư đoàn 3 Bộ binh có mặt trên tàu khá đông song anh em giữ kỷ luật rất tốt. 
Đính kèm là trang số 40 của Nhật Ký Tư Lệnh do Thiếu Tướng Nguyễn Duy Hinh viết:”Tôi cùng đại tạ Hội, tư lệnh phó Vùng I Duyên hải sang tàu dầu 542 [ đính chánh 472] (hạm trưởng trung úy An Thuận [đính chánh đại úy]) cùng một đoàn tàu nhỏ đi về Cam Ranh.
Sau cùng thì cả đoàn tàu đã về đến Cam Ranh an toàn. Các vị quan khách lần lượt rời chiến hạm, trả lại không gian an bình và sinh hoạt bình thường cho chúng tôi. Trong suốt thời gian qua vì cùng phụ giúp các vị tướng, tá chỉ huy trên tàu nên tôi chỉ ngủ được chừng một tiếng đồng hồ/ngày. Café và trà là nguồn trợ lực rất quý giá cho tôi, ăn uống chỉ là phụ.  Ai nấy đều như “xác không hồn”.

Sáng sớm ngày 2 tháng 4 năm 75, chiến hạm được lệnh rời Cam Ranh lên đường về Vũng Tàu để chuẩn bị vào lại Căn cứ Yểm trợ Tiếp Vận Cát Lở lấy dầu; về đến Vũng Tàu ngày 4 tháng 4 năm 1975. Tiếp tế dầu và nước cho các chiến hạm đang neo đậu tại Vũng Tàu, nhưng vì tình trạng kỹ thuật tàu của chúng tôi quá tệ, nên lệnh cho chúng tôi neo tại chỗ để các cơ xưởng hạm có mặt ở đây sửa chửa những hư hỏng kỹ thuật cho chúng tôi. Quyết định sau cùng là phải vào Ba Son để sửa chữa vì các cơ xưởng hạm ở đây không có các bộ phận thay thế. Anh em có thân nhân ở Saigon hoặc ở các vùng phụ cận, và bản thân tôi, chỉ mong được về Saigon sau một chuyến công tác dài ngày trên biển từ cực nam đến cực bắc duyên hải của miền Nam, và trong giai đoạn nghiêm trọng nầy của đất nước chúng tôi cũng còn có trách nhiệm với gia đình vợ con.
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đọc diễn văn từ chức trao quyền cho cụ Trần Văn Hương, anh em chúng tôi trên tàu biết rằng miền Nam của chúng ta đang trong một giai đoạn cực kỳ khó khăn và chắc chắn không đủ sức cầm cự được lâu.
Về đến Saigon chiều ngày 29 tháng 4 năm 1975, tôi cho anh em về nhà để mang gia đình vào sáng sớm ngày hôm sau, để số còn lại sẽ về nhà ngay, trong đó có tôi. Tối hôm đó thì thợ Ba Son xuống tháo ráp máy móc hư hỏng dưới tàu để đem về xưởng, cùng với anh em còn lại, chúng tôi theo dõi tiến trình sửa chữa; tôi lên BTL/Hạm Đội gặp sĩ quan trực để biết thêm tình hình hiện tại của Hải Quân và của đất nước, và gọi điện thoại về nhà, báo cho gia đình chuẩn bị sẳn sàng để ngay mai khi tôi về thì có thể rời nhà ngay. Những quyết định gấp rút và khó khăn vô cùng cho mọi người!

Ngày hôm sau khi tôi về nhà, đang loay quay kêu gọi người thân trong nhà chuẩn bị đi thì đã có lời kêu gọi hạ vũ khí, đầu hàng vô điều kiện của Tổng Thống Dương Văn Minh. Tôi và vợ tôi hy vọng vào các bạn tôi đang neo tàu buôn ngoài sông Saigon, vô ích và không có kết quả, cố gắng vào Cảng Saigon, kết quả cũng không có gì tốt hơn. 
Mặc dầu có nhiều cố gắng nhưng chúng tôi không thành công, thôi thì đành tự an ủi “không thành công thì cũng thành nhân” nhưng cái giá phải trả lại quá đắt là những năm tháng tù đày đói rách tại miền bắc, và bài học đầy máu và nước mắt mà tôi học được là:  Mất nước là mất tất cả, đừng bao giờ trông chờ vào sự bao dung độ lượng của đối phương, dù đối phương đó là người cùng màu da, cùng tiếng nói với mình!

Cũng trong khoảng thời gian đó, nhiều nước thuộc địa khác không cần hy sinh hơn hai triệu con dân của mình và mất 20 năm nội chiến để giành độc lập cho xứ sở của mình; họ không ngu dại để “chúng ta đánh đây là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc”, phát biểu của Lê Duẩn; nước Đức thống nhất không có đổ máu, không có phân biệt đối xử quốc gia hay cộng sản, người dân Tây Đức hy sinh tiền của để cưu mang người dân Đông Đức và cả nước cùng nhau xây dựng đất nước giàu mạnh như ngày hôm nay, và đương kim thủ tướng Đức là một chính trị gia xuất thân từ nửa nước Đức “hậu cộng sản”... Vậy ai khôn hơn ai?

Vận nước đến hồi đổi thay để mọi người dân miền Nam cùng chia sẻ với dân miền Bắc, cùng nhau chạm mặt chế độ cộng sản, một chế độ đàn áp có hệ thống các quyền tự do biểu đạt, tự do lập hội và tập hợp hòa bình và sẵn sàng trấn áp những ai dám kêu gọi dân chủ, tự do.


Giờ đây giới trẻ đã có ý thức rằng họ phải bảo vệ tổ quốc, và họ đã và đang dấn thân trong việc thực thi dân chủ và thúc đẩy nhân quyền tại Việt Nam, bắt đầu tiến trình thoát khỏi chế độ cộng sản cầm quyển với bản tánh ích kỷ, vô lương. Hy vọng đây là mở đầu cho một giai đoạn mới cho tuổi trẻ thức tỉnh và vùng lên để lấy lại chính nghĩa cho tổ quốc.

Lê Châu An Thuận
nhớ những ngày tháng 3 và tháng 4 năm 1975