Friday, May 28, 2021

VIẾT VỀ NGƯỜI BẠN HỌC CÙNG LỚP VỪA NẰM XUỐNG

 

Những kỷ niệm khó quên với người bạn cùng lớp khóa 13 trường Việt Nam Hàng Hải, anh Hà Phú Cường.

Chúng tôi học khóa 13 ngành Pont của trường Việt Nam Hàng Hải tại Trung tâm kỹ thuật Phú Thọ; hàng hải chia ra làm 2 ngành riêng biệt, một ngành được gọi là ngành Pont hay ngành chỉ huy đào tạo sinh viên sau khi ra trường tùy theo khả năng có thể tiến xa lên làm thuyền trưởng một thương thuyền, nghành còn lại là ngành Cơ khí đào tạo sinh viên trở thành cơ khí trưởng thương thuyền.

Khóa 13 Pont của trường tuyển 16 sinh viên chính thức và 8 sinh viên dự khuyết. Anh Hà Phú Cường là một trong những sinh viên đổ cao vào trường, còn tôi là sinh viên dự khuyết hạng chót. Đề thi bằng tiếng Việt Nam và tiếng Pháp, sinh viên dự tuyển có thể làm bài bằng một trong hai thứ tiếng của đề thi.

Khóa học khai giảng ngày 22 tháng 7 năm 1963, giáo sư giảng dạy một số là người Pháp do Mission d' assistance technique et économique chọn giới thiệu cho trường, một số giáo sư là người Việt Nam và tùy môn học có khi giảng bằng tiếng Việt có khi giảng bằng tiếng Pháp! Vì sinh viên học chương trình Việt không thể theo kịp bài giảng bằng tiếng Pháp nên lần lượt bỏ học, vì vậy tôi được vào trường nhưng vì học tú tài 2 ban Sciences Experimentales, xem như là ban A chương trình Việt, nên tôi chật vật với các bài toán thiên văn, lượng giác cầu... trong khi anh Cường đã học MPC ở đại học nên thời gian học ở trường anh học rất thoải mái, còn giải những bài toán theo cách riêng của anh mà giáo sư chánh người Pháp, thầy Jean Ducasse, phải công nhận là xuất sắc. Anh là người sẳn sàng giúp đở bạn học cùng lớp, sau nầy ra trường anh là thuyền trưởng tốt giúp đở anh em ra trường các khoá sau trở thành sĩ quan có năng lực trong nghề nghiệp. Được mời về trường làm giáo sư giảng dạy anh được sinh viên rất yêu mến.

Tôi nhớ khi khoá chúng tôi ra trường ngày 07 tháng 5 năm 1965 tổ chức tại rạp chiếu bóng Đại Nam- Saigon anh Hà Phú Cường đậu cao nên anh được ưu tiên chọn tàu để xuống làm việc trong khi tôi đậu thấp phải ngồi nhà chờ đến lượt gọi, chán cảnh chờ với đợi nên tôi quyết định ra Cam Ranh để nhận công việc quản lý đội tàu của một công ty tại miền Trung, tuy được hãng trọng vọng và có lương cao hơn các bạn cùng khoá nhưng tôi luôn mong ước được đứng làm việc trên một đài chỉ huy của một thương thuyền lớn. Anh Cường tuy đã làm việc cho một hãng của Việt Nam nhưng hãng Shell lại chọn anh và cho việc làm nhưng anh lại nhường, giới thiệu tôi, hãng đồng ý, và khi từ Huế trở lại Đà Nẵng, các bạn cùng khoá đang đi tàu cặp cảng tại đây, gặp tôi kêu ầm lên là "mầy phải về Saigon ngay vì hãng Shell đang cho mầy việc làm". Tôi gọi thầy tôi, thầy Jean Ducasse, ông vừa là giáo sư tại trường nhưng hè thì ông là thuyền trưởng của hãng Shell, tôi được thầy xác nhận tin tôi được hãng tuyển dụng. Mỗi lần gặp anh Cường tôi đều nhắc lại chuyện đó, lần cuối cùng anh em gặp nhau vào năm 2014 tại Houston, Texas khi anh từ Canada bay qua thăm người em gái của anh. Lần đó anh hăng say nói với tôi về phát minh 3D Star Finders, Máy tìm sao trong không gian 3 chiều, của anh, hai chúng tôi ngồi thực hiện công trình của anh mất cả nửa ngày trời.


Sau nầy anh bịnh nên khi nói chuyện với anh phải cố gắng tập trung để nghe nên anh em chúng tôi text message với nhau nhiều hơn. Tuần rồi nghe anh bịnh chúng tôi cầu nguyện cho anh được khỏi bịnh như những lần trước, nhưng lần nầy anh không qua khỏi được rồi! Biết rằng kiếp con người phù du nhưng nghe anh ra đi chúng tôi, những người bạn cùng trường, cùng lớp với anh không khỏi ngậm ngùi. Sinh, lão, bịnh, tử là một vòng tròn mà con người không thể trốn tránh; tất cả ai rồi cũng chết; chúng tôi nguyện cầu hương linh anh sớm tiêu diêu nơi miền cực lạc. Với gia đình anh chúng tôi mong chị và các cháu vượt qua nỗi đau lớn lao nầy!

 

Gia đình Lê Châu An Thuận

 





VIẾT VỀ NGƯỜI BẠN CÙNG KHÓA 13 TRƯỜNG VIỆT NAM HÀNG HẢI (1)

 

SĨ QUAN HÀNG HẢI THƯƠNG THUYỀN HY SINH TRONG TRẬN HẢI CHIẾN HOÀNG SA

Mỗi năm gần Tết, Quân Chủng Hải Quân của chúng ta trên toàn thế giới đều có buổi lễ vinh danh các chiến hữu Hải Quân đã hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa.

Các chiến hữu nầy xứng đáng được gọi là Anh hùng Hải Quân vì các chiến hữu đã xả thân để bảo vệ phần lãnh hải của Tổ Quốc mà tiền nhân đã dày công xây dựng và bảo tồn từ bao thế kỷ. Trên danh sách các Anh Hùng Hải Quân tham dự trận Hoàng Sa mà chúng ta hãnh diện vinh danh hàng năm, tôi nhận thấy có tên anh HUỲNH DUY THẠCH, một cựu sinh viên Trường Việt Nam Hàng Hải, một cựu sĩ quan hàng hải thương thuyền Việt Nam.

Anh HUỲNH DUY THẠCH



HQ Đại Úy CK/HHTT,

Cơ Khí Trưởng

Hộ Tống Hạm Nhựt Tảo, HQ. 10

Số quân: 63 A 702 639

Anh Huỳnh Duy Thạch, sinh ngày 2 tháng 11 năm1943, quê quán Ðà Lạt, nhà gần khu vực Domaine De Marie, cựu học sinh trường dòng Collège d' Adran Ðà Lạt. Rời Ðà Lạt để về Saigon, vì trúng tuyển vào trường Việt Nam Hàng Hải thuộc Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ.

Tốt nghiệp khóa 13 Sĩ Quan Hàng Hải Thương Thuyền, ngành Cơ Khí, niên khóa 1963-1965. Ra trường anh làm việc trên các thương thuyền Việt Nam trong một thời gian, sau đó, như tất cả các thanh niên khác, với lệnh tổng động viên, ngày 14 tháng 04 năm 1967, anh vào Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức, khóa 24, sau khi học xong giai đoạn I ở Quân Trường Thủ Ðức, anh được chuyển sang Quân Chủng Hải Quân để học nốt giai đoạn II.

Trước chuyến công tác định mệnh của HQ. 10, chiến hạm bị hư bơm cao áp của máy chính tả, anh Huỳnh Duy Thạch và ban cơ khí của chiến hạm cùng lo sửa chữa với các bác công nhân của Xưởng Ðộng Cơ của Hải Quân Công Xưởng do Bác Bửu, Trưởng toán Ðại Ðộng Cơ của Hải Quân Công Xưởng trực tiếp phụ trách sửa chữa nên chuyến công tác ra vùng I Duyên Hải của chiến hạm HQ. 10 phải hoãn đi hoãn lại nhiều lần.

Anh Huỳnh Duy Thạch ít nói, giọng trầm, người ngâm ngâm đen, ăn mặc quân phục lúc nào cũng tươm tất, đối xử tốt với bạn bè, kính trên nhường dưới, anh ưa thích hút thuốc Bastos, và hút quá nhiều, và còn thích uống café đen đậm, anh em khuyên bớt thuốc lá thì lúc nào cũng hứa nhưng chỉ hứa để làm vui lòng anh em mà thôi chớ không bớt chút nào.

Trước chuyến công tác cuối cùng, anh Huỳnh Duy Thạch đã nhận được lịnh thuyên chuyển để về phục vụ cho Hàng Hải Thương Thuyền. HQ. Thiếu Tá Ngụy Văn Thà, Hạm Trưởng HQ.10 muốn cho anh được thuyên chuyển trước khi tàu rời Đà Nẳng đi Hoàng Sa, và bàn giao lại cho HQ. Trung Úy CK Phạm Văn Thi, anh có thể chọn trở lại cuộc sống dân sự thoải mái và sung túc, nếu rời chiến hạm HQ.10 ngay lúc đó, nhưng anh đã chọn “Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm” và ở lại với đồng đội trong lúc dầu sôi lửa bỏng.

Hộ Tống Hạm Nhựt Tảo HQ. 10 đã cùng với các chiến hạm Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng, HQ. 5, Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt, HQ. 16, Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư, HQ. 4 tham dự trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19 tháng Giêng năm 1974 để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa trên quần đảo Hoàng Sa đang bị quân Trung Cộng lấn chiếm.

Thi hành lịnh Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu là “Chúng ta không để mất một tấc đất nào cả.”, lúc 10 giờ 22 phút sáng ngày 19 tháng 1 năm 1974, Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại đã ra lịnh khai hỏa. Trận hải chiến giữa lực lượng Hải quân Việt Nam Cộng hòa và Hải quân Trung Cộng đã nổ ra.

Trong trận chiến, HQ-10 là chiến hạm đã khai hỏa đầu tiên vào chiếc 389 của Trung Cộng làm nó bốc cháy khói mịt mù phải lùi lại phía sau, cùng lúc khẩu 127 ly trên HQ16 trực xạ vào chiếc 396 và chiếc này bị trúng đạn ngay đài chỉ huy.

Vì HQ-10 chỉ còn lại duy nhất một máy khiển dụng, do đó chiếc 389 đã lợi dụng tấn công tới tấp, dẩn đến chiếc HQ10 bị trúng đạn ở Đài chỉ huy và phòng lái. Hầu hết các Sĩ Quan có mặt trên Đài Chỉ Huy và phòng lái đều tử trận ngoại trừ Hạm Phó Nguyễn Thành Trí bị thương nặng. Hầm máy và hầm đạn cũng bị nổ tung và phát hỏa do trúng đạn của Trung Cộng, Trung úy Huỳnh Duy Thạch cùng các chiến sĩ cơ khí khác bị tử thương. Máu của anh cùng máu của đồng đội đã đổ để cố bảo vệ từng tấc giang sơn của Tổ Quốc Việt Nam.

Đến 14h52 phút thì HQ-10 chìm hoàn toàn xuống biển gần bãi đá ngầm Hải Sâm (Antelope reef) mang theo hầu hết những quân nhân tử thương trên tàu.

Anh Huỳnh Duy Thạch và 74 đồng đội của anh đã hoàn tất nhiệm vụ của một người lính. Các anh đã tận trung với nước, đã chiến đấu đến giờ phút cuối của cuộc đời, đã hy sinh xương máu của mình để bảo vệ Tổ Quốc, thân xác các anh đã chìm trong lòng biển nước quê hương. Chúng tôi xin dâng nén hương lòng tưởng nhớ và tri ân các anh.

Lê Châu An Thuận

47 năm hải chiến Hoàng Sa

19 tháng Giêng năm 1974

(có hiệu đính)

DANH DỰ ĐƯỢC MANG MỘT HUY HIỆU

Hạm Trưởng HQ.603 và HQ.472

Đang hạnh phúc với cuộc sống dân sự trên môt tàu chở xăng dầu của hãng Shell thì Lệnh tổng động viên toàn quốc được ban hành khẩn cấp vì chiến tranh tại Việt Nam đã lên đến đỉnh điểm và mọi thanh niên từ 18 đến 28 tuổi phải nhập ngũ, nên tôi đành xách ba lô đến Sân Vận Động Cộng Hòa để hòa mình cùng hàng trăm thanh niên khác lên xe camion đang đậu sẵn nhập ngũ để được đào tạo thành một người lính tại trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức còn được gọi là Trường Bộ binh Thủ Đức.

Nhớ lại tuần lễ trước đây khi tàu dầu M/T Cyprea còn đang bom xăng dầu cho hãng Shell tại Phnom Penh thì anh Sĩ quan Vô tuyến dưới tàu nói nhỏ cho tôi biết là anh nhận công điện của hãng cho biết là sau chuyến công tác nầy thì tôi sẽ phải “đi lính”, một người bạn đồng môn của tôi khuyên tôi bỏ tàu để qua Sihanoukville sang tàu khác của Pháp để rời xa đất nước trong một thời gian tránh cảnh chiến tranh tàn khốc đang xảy ra trên quê hương đau khổ của chúng ta, ông Pierre M. Léon Dany, Thuyền Trưởng mà tôi rất quý trọng cũng có nói xa nói gần ý muốn giúp tôi, nhiều người bạn trên hãng cũng nói là ở đây chỉ cần có Brevet-Trung học thì cũng có việc làm tốt rồi, anh có Tú tài toàn phần Pháp thì lo gì, ở lại Phnom Penh chúng tôi sẽ giúp anh có việc làm rất dễ dàng và lương hậu, một cô bạn gái là tiếp viên hàng không của Thailand Airways cũng khuyên tôi bỏ nước trốn xa cuộc chiến chết chóc phi lý cho rồi. Khi ngồi viết đến đoạn nầy tôi cảm thấy bùi ngùi khi nghĩ đến những tấm thịnh tình của nhiều người dành cho cá nhân tôi, và xin có lời cảm ơn quý anh chị. Nếu cho chọn lại thì tôi cũng chọn như lúc đó mà thôi, nhất quyết không bỏ nước, bỏ gia đình mà ra đi trong giai đoạn khó khăn nhất của miền Nam tự do. Thời đó chỉ một số rất rất ít người có ý nghĩ rời bỏ quê hương để ra đi chớ đa số anh em hàng hải thương thuyền chúng tôi thì dù đang đi tàu ở tận bên Pháp hay các nước khác đều trở về để nhập ngũ với hy vọng là phục vụ trong quân đội tối đa khoảng 3 năm sẽ trở lại đời sống dân sự, hai chữ “trốn lính” nghe nó “tệ” làm sao!

Đất nước nầy là của chung, mọi người đều có trách nhiệm gìn giữ.
Thôi thì trai thời loạn có mặc áo lính như mọi thanh niên khác thì đâu có gì mà than với thở. Tôi nhập học khóa 21 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức vào ngày 1 tháng 10 năm 1965 và chính thức mang “lon” sĩ quan ngày 1 tháng 11 năm 1966 sau 13 tháng vừa học quân sự tại quân trường vừa đi thực tập trên các chiến hạm Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa. Vào quân trường thì vui vô kể vì nhiều đứa bạn cùng học chung lúc trước thời trung học đều có mặt tại đây, anh nào cũng có địa vị trong xã hội nào là kỹ sư, là phó quận, trưởng ty... đúng là một cuộc tập họp lớn để chúng tôi có dịp đoàn viên. 
Rồi những bài học quân sự suốt ngày, hít đất, ngồi ngoài bãi nghe sĩ quan huấn luyện giảng dạy chiến thuật dưới ánh nắng như thiêu đốt, có khi ngủ đi lúc nào không hay; rồi những ngày tháng điểm tâm sáng với chuối già bánh mì, cơm nhà bàn hoặc tại câu lạc bộ khi có dịp... Nói nhỏ mà nghe là quen cầm tiền lương ngoài dân sự rồi nên khi lãnh lương lính sao “cảm thấy” nó nhẹ làm sao vì ít tờ giấy bạc quá.
Sau gần 8 tháng tại quân trường, vì có chuyên môn hàng hải ngoài dân sự nên một số anh em chúng tôi được chuyển sang quân chủng Hải Quân và tiếp tục được học một khóa ngắn hạn tại Trung Tâm Huấn Luyện Saigon, sau đó chuyển sang Bộ Tư Lịnh Hạm Đội, và thuyên chuyển thực tập giai đoạn 2 trên nhiều loại chiến hạm khác nhau, tôi được xuống Hỏa Vận Hạm HQ. 470. Đang đi tàu chở dầu của hãng Shell, qua hải quân lại đi tàu dầu thì hình thức nào đó “trúng mánh” rồi. Đi công tác ngắn ngày và trở lại Saigon ngay nên không đến nỗi xa "EM" lâu ngày.
Sau 13 tháng kể từ ngày mặc áo lính thì chúng tôi được gắn lon chuẩn úy cùng ngày với lễ mãn khóa 21 tại Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Những năm tháng phục vụ Quân chủng Hải Quân, tôi lần lượt công tác trên các chiến hạm như Hộ Tống hạm - Chí Linh HQ. 11, vị Hạm trưởng của chiến hạm cũng xuất thân từ trường Việt Nam Hàng Hải như bản thân tôi, sau nầy tôi còn dưới quyền chỉ huy của ông một lần nữa khi là Hạm trưởng một chiến hạm tuần duyên. Như những Hộ tống hạm khác, chiến hạm HQ. 11 đi công tác xa nhà liên miên, tuần tra khắp 4 vùng Duyên Hải của miền Nam
Việt Nam chống sự xâm nhập của các tàu không số chở vũ khí của miền Bắc tiếp tế cho lực lượng quân đội của họ tại miền Nam. Tiếp đó tôi có lịnh thuyên chuyển xuống Trợ Chiến hạm - Nguyễn Ngọc Long HQ. 230 vừa tuần tra biển vừa tuần tra các sông ngòi của sông Mékong, và có dịp đi Guam để sửa chửa chiến hạm, gắn thêm bộ phận chống B. 40 cho đài chỉ huy chiến hạm, đây là chuyến đi vất vã song học hỏi nhiều, có dịp làm hàng hải thiên văn để định vị trí, gặp bão trong khi máy chánh chỉ còn một máy lại không hoàn hão; may nhờ tàu coast guard của Hoa Kỳ giúp kéo tránh bão, sau đó chiến hạm tự đi tiếp chuyến hành trình. Nhận được thơ nhà cho biết gia đình nhỏ của tôi có thêm một cậu con trai, vậy là có gái có trai đủ rồi, vui là ba và má tôi khi biết có cháu trai đích tôn thì có lên thăm mẹ con của cháu, chẳng bù trước đây khi có cháu gái đầu lòng thì chỉ có bà nội đến thăm nom.
Trở về nước một thời gian tôi bị "khùng" vì đi tàu quá lâu nên xin thuyên chuyển khỏi Hạm Đội, đơn xin của tôi sau cùng cũng được cứu xét và được thuyên chuyển về Bộ Tư Lịnh Hải Quân/Khối Quân Huấn với chức danh là Tiểu đoàn trưởng Khóa sinh Anh ngữ kiêm Sĩ Quan Liên lạc tại trường Sinh ngữ Quân Đội, cơ sở đặt tại một cao ốc trên đường Phan Thanh Giản. Văn phòng của tôi có một số anh em Hải Quân và Quân Cảnh Hải Quân phụ trách hành chánh và an ninh cho khóa sinh về học Anh ngữ để du học chuyên môn tại Hoa Kỳ hoặc lãnh các tàu, các căn cứ, các cơ sở sửa chữa do HQ Hoa Kỳ bàn giao lại cho HQ Việt Nam. Công việc mới tuy bận rộn nhưng phù hợp với khả năng của tôi và may mắn cao ốc nầy lại gần nhà của tôi. Thôi thì hưởng phước lúc nào mừng cho lúc đó. Đời lính mà!
Được trên một năm công tác tại trường thì tôi lại bị thuyên chuyển trở lại BTL/Hạm Đội làm Hạm phó Hộ tống hạm Vân Đồn HQ. 06 thay thế cho một anh sĩ quan khóa 14 về làm Chỉ huy trưởng Giang đoàn, trước đây hai anh em chúng tôi cùng công tác trên Hộ tống hạm HQ.11. Bẵng đi một thời gian thì tôi được biết anh đã hy sinh đền nợ nước trong một trận đánh với phiến quân Việt cộng.
HQ. 06 Vân Đồn là Hộ tống hạm duy nhất đặc biệt hộ tống đoàn thương thuyền các nước từ Vũng Tàu đến Nam Vang, Cambodia, sau nầy chiến hạm chỉ phụ trách hộ tống đến Tân Châu mà thôi, đoạn tiếp theo từ Nek Loeung đến Nam Vang thì Hải Quân Cambodia phụ trách. Công tác có nguy hiểm nhưng chúng tôi luôn luôn vững tin dựa vào hỏa lực mạnh của chiến hạm và sông Mékong thì rộng và với kích thước dài 173.7ft, rộng 23ft hai động cơ diesel, 2800 mã lực mỗi động cơ và vận tốc khá cao trên 15 hải lý/ giờ, sự quay trở của chiến hạm rất nhanh gọn.
Đang có một thời gian công tác tuyệt vời trên Hộ tống hạm nầy thì tôi được biết chiến hạm sẽ được xữ dụng làm tàu huấn luyện vì võ tàu không đạt tiêu chuẩn đi biển, một hôm vô tuyến viên trao cho tôi công điện của BTL/HQ đang tuyển sĩ quan đi lãnh hai tuần dương hạm tại nước ngoài và có đề ra tiêu chuẩn để được tuyển chọn, tôi tự đánh giá mình quá đủ tiêu chuẩn nên xin phép ông Hạm trưởng ghi tên ứng tuyển, ông đồng ý ngay. Đúng như chúng tôi dự đoán, tôi có tên trong danh sách sĩ quan cấp đại úy lãnh Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ. 16; sau khi làm các thủ tục xuất ngoại xong chúng tôi ra phi trường Tân Sơn Nhất để bay qua phi trường Clark Field của Philippines và bằng đường bộ về Subic Bay để nhận sự chuyển giao hai chiến hạm HQ. 16 và HQ. 17 có tên là Ngô Quyền từ Hải quân Hoa Kỳ ngày 21 tháng 6 năm 1972. Cả hai thủy thủ đoàn cùng làm việc cật lực để hoàn thành công tác lãnh tàu tại nước ngoài để cùng về nước một lượt. Sau nầy khi về nước chúng tôi mang tàu ra Cam Ranh để tham dự khóa huấn luyện ngoài khơi vì có nhiều anh em mới thuyên chuyển xuống tàu bổ sung thêm cho đủ cấp số, thủy thủ đoàn của mỗi tuần dương hạm khoảng 100 người.
Sau khi hoàn tất khóa huấn luyện ngoài khơi, chiến hạm chúng tôi trực chỉ công tác tại vùng I Duyên Hải, ra đến Đà Nẵng nhiều anh em đi phép tại Saigon lục tục trở về tàu và cho biết tin là một trong ba đại úy ngành chỉ huy của tàu sẽ về Saigon nhận chức vụ hạm trưởng một tuần duyên hạm PGM, tôi có loáng thoáng nghe anh em nói với nhau như thế nhưng tôi không để ý những tin gọi là tin đồn đó làm gì, vì tôi không có ý nghĩ đảm trách chức vụ cao quý và nhiều trách nhiệm nào trong hải quân, nhưng đó là giấc mơ của bất cứ sĩ quan hải quân nào đã chọn con đường binh nghiệp.
Thời gian con tàu nghỉ bến tốt nhất là lên bờ mua báo để đọc, ăn một tô bún bò Huế nóng hổi, tán dóc với cô chủ quán duyên dáng và dễ thương nhưng thương không dễ của chúng tôi, gặp mặt các bạn đồng môn, đồng nghiệp hàng hải thương thuyền của tôi đang công tác tại Đà Nẵng, gọi điện thoại về nhà nói chuyện với ba đứa con và “măng” của chúng nó. Trời Đà Nẵng đã bắt đầu trở lạnh, thanh niên, thanh nữ và người dân ở đây đã ăn mặc đẹp và ấm áp, xe cộ dập dìu, nhưng ngoài kia trên biển và xa thành phố nầy một chút bao nhiêu thanh niên đang mặc áo lính ngày đêm cầm súng giữ nhà, giữ nước, bảo vệ tự do cho miền Nam, có ai nghĩ đến và thương họ không?
Đến thời gian nầy tôi đã đi lính trên 7 năm rồi, không ngờ thời gian trôi nhanh quá như vậy và chuyện gì đến cũng đến, đi bờ về tàu chưa kịp thay quần áo dân sự để mặc quân phục thì sĩ quan trực cho tôi biết hạm trưởng muốn gặp riêng tôi, vào phòng hạm trưởng và được ông thông báo là có nhận công điện của BTL/HQ/Phòng Tổng quản trị và của BTL/Hạm Đội là tôi về Saigon để nhận chức vụ hạm trưởng chiến hạm tuần duyên Kiến Vàng - HQ. 603. Hạm trưởng, Hạm phó và anh em sĩ quan, hạ sĩ quan, thủy thủ chúc mừng tôi, tôi thực sự ngỡ ngàng và thực lòng tôi lo lắng nhiều hơn là mừng.
Phải nói trong lãnh vực tuyển lựa cấp chỉ huy, chỉ có một số rất nhỏ sĩ quan đuợc chọn và sĩ quan xuất sắc nhất mới được đề nghị làm hạm trưởng. Theo truyền thống của hải quân và hàng hải thương thuyền, vị hạm trưởng/thuyền trưởng được coi là có uy quyền tối thượng như một vị lãnh chúa trên chiến hạm chỉ đứng sau Thượng Đế, do đó huy hiệu hạm truởng có ghi hàng chữ La tinh “Magister Post Deum” (Chúa tể chỉ sau Thượng Đế), người đi biển của Pháp thì có câu “Seul maître à bord après Dieu”. Theo luật hàng hải quốc tế, một chiến hạm/thương thuyền mang cờ hiệu của quốc gia nào được coi như lãnh thổ của quốc gia đó khi hải hành cũng như khi cập bến tại các hải cảng ngoại quốc, và vị đại diện của lãnh thổ nối dài đó chính là Hạm Trưởng/Thuyền trưởng.
Nhìn huy hiệu hạm trưởng của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa có ghi hàng chữ:”DANH DỰ - KỶ LUẬT – TÀI ĐỨC”. Tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa để làm sao cho xứng đáng với chức trách mới nầy của mình đây.
Khi về quê nhà ở Bình Chánh Long An tôi có hứa với ba má tôi, giống như tôi đã hứa với vợ con tôi là tôi sẽ làm tròn trách nhiệm của một quân nhân được chọn cho một chức vụ cao quý, trọng danh dự của bản thân, gia đình, của anh em hàng hải thương thuyền và người thân. Tuy là người lính trừ bị nhưng tôi quan niệm mọi quân nhân miền Nam, bất kể cấp bực khi cầm súng bảo vệ quê hương và đồng bào của mình là danh dự, là đạo đức của người trai trong thời loạn ly. Hai chữ “Tài Đức” có làm cho tôi hơi lo vì trước đây chỉ làm theo lịnh của hạm trưởng chỉ huy của tôi nên không phải động não lắm nay chính mình phải có những quyết định sống còn cho con tàu và cho anh em dưới quyền, tôi phải cần tự mình trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo, kinh nghiệm sống để hoàn thành công tác của mình một cách tốt nhất; đặc biệt là trong những hoàn cảnh khó khăn, những tình huống phức tạp, ngoài ra còn phải chăm sóc và lo cho quyền lợi của anh em dưới quyền.
Tôi về đến Saigon, và vào tháng 5 năm 1973 nhận quyền chỉ huy tuần duyên hạm HQ. 603 còn có tên là Kiến Vàng , trước đây là PGM 67 được chuyển giao cho Hải Quân VNCH tháng 2 năm 1963. Vì chiến hạm của chúng tôi phải vào ụ nhỏ để sửa chữa nên tôi công tác biệt phái trên HQ. 611 một chuyến công tác để chờ vị hạm trưởng mới của chiến hạm nầy tân đáo. Đang phục vụ trên những chiến hạm lớn quen rồi nay công tác trên một chiến hạm nhỏ không đầy đủ tiện nghi, dụng cụ hải hành có thể nói là thô sơ nên có cảm giác không “khoái lắm”. Đi chuyến công tác đầu tiên, khi về tới nhà, nhìn vào kiếng tôi giựt mình vì mình mẩy sao mà ốm nhom và “đen như cột nhà cháy” vậy. Người Pháp có câu quá đúng:” Un coup d’essai vaut un véritable coup de maître”, chiến hạm, thủy thủ đoàn và tôi bây giờ là một nên chúng tôi vui vẻ trong những chuyến công tác xa nhà. Sau nầy chúng tôi có thêm một thủy thủ ngoài cấp số thì anh em trên tàu càng thêm vui vẻ, đó là một chú chó thuần chủng nổi tiếng thế giới, chó xoáy Phú Quốc vô cùng thông minh lanh lợi, canh gác 24/7 chiến hạm khi neo, hay khi đậu bến không khác một anh thủy thủ cần mẫn trên tàu. Giã từ HQ. 603 để nhận chỉ huy chiến hạm lớn hơn và luôn luôn giữ những kỷ niệm đẹp với anh em trên tàu. Giữa tháng 6 năm 1974 tôi chính thức rời chiến hạm tuần duyên để thuyên chuyển sang Hải Đội chuyển vận.
Đơn vị kế tiếp của tôi là một tàu chở dầu với trọng tải là 1.253 tấn khi chở đầy nhiên liệu và thủy thủ đoàn khoảng 35 người. Trước đây phục vụ trên tàu có hai động cơ quen rồi, nay chiến hạm nầy chỉ có một động cơ diesel nên phải cẩn thận hơn một chút, xữ dụng neo nhiều hơn khi điều động tàu cập cầu trong các điều kiện gió, nước không thuận lợi. Hỏa vận hạm HQ. 472 là một trong 6 chiến hạm tiếp tế nhiên liệu cho các chiến hạm cập hoặc neo tại cảng, tiếp tế cho các căn cứ yểm trợ tiếp liệu, các hải đảo trong đó có Côn Sơn... Có kinh nghiệm chỉ huy chiến hạm rồi nên tôi không bở ngỡ khi điều hành con tàu, chỉ huy anh em dưới quyền, công tác lại nhàn hạ hơn khi công tác trên các chiến hạm tuần tiễu phải xa nhà hơn cả tháng trời và tại các vùng duyên hải xa. Có lịnh thuyên chuyển trả về hàng hải thương thuyền để làm thuyền trưởng cho hãng Vishipco Lines nhưng vì vận nước nên tôi kẹt lại trong nước và “nếm mùi” trả thù đê hèn và dã man của những kẻ gọi là chiến thắng.
Mời quý bạn đọc lại bài 30-4-1975: HỎA VẬN HẠM HQ.472 TRONG NHỮNG THÁNG NGÀY CUỐI CỦA CUỘC CHIẾN.
https://vaisuynghi.blogspot.com/.../30-4-1975-co-gi-e-ma...
https://www.facebook.com/notes/le-chau-an-thuan/danh-d%E1%BB%B1-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-mang-m%E1%BB%99t-huy-hi%E1%BB%87u/2453795898238633/

Lê Châu An Thuận
Kỷ niệm một ngày sinh nhật