Sunday, June 27, 2021

TẢN MẠN CHUYỆN NHỮNG LÁ CỜ

 Sau một ngày làm việc căng thẳng, vật lộn với các con số khô khan, tôi nhảy vào YouTube thả hồn theo những nốt nhạc vàng Bolero réo rắt. Tôi có tật vừa nghe nhạc, vừa tò mò xem những lời bình của thính giả. Thật bất ngờ, có nhiều bạn trẻ trong nước cũng ghiền nghe những dòng nhạc trữ tình trước 1975. Các em tâm sự, họ đã đến với nhạc vàng qua người thân hay bạn bè. Nghe chơi rồi đâm ra nghiện. Nhiều em kết thúc lời khen ngợi bằng lá cờ đỏ sao vàng để tôn vinh dòng nhạc Việt Nam. Nếu các cố nhạc sĩ như Trầm Tử Thiên, Nguyễn Văn Đông, Trần Thiện Thanh, Duy Khánh mà thấy được thì chắc cũng dở khóc dở cười. Các em không biết rằng, phần lớn họ là những người đã chiến đấu và hy sinh để chống lại cái chủ nghĩa mà lá cờ đỏ sao vàng đại diện. Riêng tôi, vừa nhìn thấy lá cờ này liền bị “dị ứng”, hảo cảm dành cho người viết “bốc hơi” hơn phân nửa. Tôi không trách họ, vì phần lớn sanh ra và lớn lên sau 1975. Các em không biết lá cờ nào khác ngoài cờ đỏ sao vàng. Tuy nhiên, tôi có một góp ý nhỏ. Nếu các em tôn trọng và quý mến những tác phẩm của những người sáng tác trong miền Nam VNCH*(Việt Nam Cộng Hòa), xin đừng vô ý thêm lá cờ đỏ sao vàng vào lời khen tặng của mình. Được vậy thì các cố nhạc sĩ cũng ngậm cười nơi chín suối!

Các cháu cầm cờ 1 sao lớn và 5 sao nhỏ đón Tập cận Bình

Thật ra, nếu bất ngờ hỏi một người dân Việt Nam nào đó trên đường phố cờ đỏ sao vàng có ý nghĩa gì, tôi tin là không có mấy người có thể trả lời hoàn chỉnh được câu hỏi này. Theo Wikipedia:

Cờ đỏ sao vàng Việt Nam - “Ý nghĩa của lá cờ với nền màu đỏ tượng trưng cho màu của cách mạng, máu của các anh hùng, ngôi sao vàng tượng trưng cho linh hồn dân tộc và năm cánh sao tượng trưng cho năm tầng lớp tham gia cách mạng sĩ, nông, công, thương, binh cùng đoàn kết kháng chiến.” 

Cờ đỏ năm sao của Trung Quốc - “Màu đỏ tượng trưng cho cách mạng và cũng tượng trưng cho máu của các chiến sĩ đã hy sinh vì độc lập. Năm ngôi sao tượng trưng cho sự đoàn kết của nhân dân cách mạng đại đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”

Cờ đỏ búa liềm củ đảng CS liên Xô (1923 - 1991):


Nền đỏ tượng trưng cho máu mà công nhân và nông dân đổ xuống trong cuộc đấu tranh giải phóng của họ. Búa tượng trưng cho người lao động công nghiệp trong khi liềm tượng trưng cho người lao động nông nghiệp, họ tạo thành giai cấp vô sản, hình thành nên nhà nước Liên Xô. Ngôi sao đỏ đại diện cho Đảng Cộng sản Liên Xô, vị trí phía trên búa liềm thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng trong xã hội xã hội chủ nghĩa nhằm thống nhất và soi sáng cho công nhân và nông dân trên con đường xây dựng chủ nghĩa cộng sản.” 

Đọc đến đây, tôi thấy ý nghĩa của những lá cờ này phảng phất như nhau. Nhìn hình các quốc kỳ trên cũng thấy mài mại giống nhau. Mẫu số chung: Màu đỏ là tượng trưng cho cách mạng, là máu của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh giai cấp của họ. Sao vàng hay búa liềm là biểu tượng cho các tầng lớp, giai cấp trong xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng. Theo tôi, quốc kỳ phải phản ánh được nét đặc trưng của một đất nước và là niềm tự hào của dân tộc, bởi vì nó là một phần quan trọng trong nền văn hoá của một quốc gia. Rất tiếc, lá cờ đỏ sao vàng không có nét gì “độc, lạ”. Nếu thêm vào 4 ngôi sao nhỏ xung quanh thì trở thành cờ CS Trung Quốc. Có người mỉa mai nói rằng một ngôi sao vàng giống như cúi đầu, ngầm công nhận mình là 1 thành phần quận lỵ của TQ. Ý kiến thú vị, vì thật sự nhìn vào lá cờ này không có điểm gì nói lên lịch sử oai hùng, hay đậm màu sắc nhân nghĩa của dân tộc tôi. Tội nghiệp cho “linh hồn dân tộc” Việt Nam với 4000 năm văn hiến bị “chìm lỉm” trong biển máu đấu tranh giai cấp của cách mạng chuyên chính vô sản. Thương nhất là giai cấp công, nông. Ngây thơ nghe lời đường mật. Tưởng rằng đi theo học thuyết Mác Lê - chuyên chính vô sản, sẽ có ngày đổi đời lên hương. Tiếc rằng, dưới sự lãnh đạo “tài tình” của Đảng, chết một “đống” người, máu chảy thành sông, nhưng vô sản vẫn hoàn vô sản. Vô hình chung bị lợi dụng, trở thành một công cụ tiêu diệt kẻ thù cho Đảng. Sau đó, lại tạo ra một giai cấp mới, “tư sản đỏ” thống trị lại mình (?) Than ôi, đúng là tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa!


Người Cộng sản Việt Nam rất căm hận khi thấy lá cờ “ba que” vẫn phấp phới tung bay trên những địa phương có người Việt tự do cư ngụ. Họ muốn đuổi tận, giết tiệt, mà lá cờ vàng ba sọc đỏ này cứ như cái gai trước mắt nhổ hoài không xong. Lá cờ này đã có một lịch sử thăng trầm gắn liền với lịch sử của Việt Nam, miền Nam và cộng đồng của người VN tự do ở hải ngoại. Cờ vàng từng là quốc kỳ của Quốc gia Việt Nam từ 1949 đến 1955 và của Việt Nam Cộng hòa từ 1955 đến 1975. Sau 1975 cho đến hiện tại, nó đại diện cho cộng đồng người Việt tự do ở hải ngoại và được nhiều nước sở tại công nhận. Theo giáo sư Nguyễn Ngọc Huy thì:

” ...quan niệm cổ của dân tộc Việt Nam, màu vàng thuộc hành thổ và màu đỏ thuộc hành hỏa và vì hỏa sanh thổ nên hai màu này rất hợp với nhau. ..., ba sọc đỏ nhỏ như những tia nắng rọi xuống một mặt đất rộng rãi làm cho mặt đất này ấm áp và có điều kiện thuận lợi cho cây cỏ mọc lên được”.

“...nền vàng tượng trưng cho quốc gia và dân tộc Việt Nam nói chung và ba sọc đỏ tượng trưng cho ba kỳ. Vậy, ba sọc đỏ nằm trên nền vàng hàm ý là nước Việt Nam gồm cả ba kỳ và dân tộc Việt Nam gồm người của cả ba kỳ”. Ba sọc đỏ còn là biểu tượng cho Tự Do (Freedom), Dân Chủ (Democracy) và Nhân Quyền (Human Rights).

Như đã giải thích ở trên, lá cờ vàng thuần tuý phản ánh quan niệm, cái nhìn của người Việt Nam về thiên nhiên, con người và đất nước mình. Trong đó chứa đựng những ước mơ về những giá trị cơ bản nhất của nhân loại: Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền. Như ông Lê Duy San đã viết trong bài Ý Nghĩa Của Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ Và Bài “Tiếng Gọi Công Dân”, Trong gần 30 năm, từ 1948 đến 1975, người dân VN tự do cũng như người lính VNCH chống Cộng Sản Việt Nam đã hy sinh không biết bao xương máu không phải là để bảo vệ cho một chủ nghĩa hay một chủ thuyết nào mà chỉ là để bảo vệ cho Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền cho Việt Nam. Những giá trị nhân bản đó đã không ngừng được các nhạc sĩ miền Nam trước năm 1975 phản ánh trong các bản nhạc Vàng. Chủ đề đó cũng xuyên suốt liên tục trong các lãnh vực khác của văn hoá miền Nam Việt Nam. Chính vì vậy, dù trải qua bao nhiêu thăng trầm, vùi dập của thời cuộc, nó như ngọn cỏ dại vẫn trường tồn và tái sinh mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Không có những lời hô hào, gào thét, hận thù đấu tranh giai cấp. Thay vào đó là những nốt nhạc lời ca tha thiết tình người, đầy ấp tình yêu dân tộc mang đậm tính nhân văn. Chính vì vậy mà văn hoá của miền Nam Cộng Hoà nói chung và dòng nhạc Vàng nói riêng, đã tự khẳng định giá trị tồn tại, và sức thuyết phục giữa những thế hệ người Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai. 

VNCH không phải vô cớ chọn lá cờ vàng ba sọc đỏ là quốc kỳ cho chính phủ mình. Bởi vì cờ Vàng và ý nghĩa của nó, đã phản ánh trung thực và trọn vẹn những nét đẹp ấm áp tình dân tộc và đầy tính nhân bản của người Việt Nam. Với tôi, cờ Vàng ba Sọc không những vừa đẹp từ bên ngoài, “độc, lạ” có một không hai, mà còn đẹp đến ý nghĩa bên trong. Và đặc biệt rằng, tuyệt đối, không “đụng hàng” với quốc kỳ nào trên trường quốc tế. Xin mượn lời quảng cáo của Pantene vào những năm 80 để kết thúc bài viết này “Don’t hate me because I’m beautiful“.

Lê Châu Thanh Tuyền

 

Sunday, June 13, 2021

NGẨNG CAO ĐẦU TRONG CHIẾN BẠI

Gia đình chúng tôi và vợ chồng anh bạn dùng điểm tâm sáng tại Phở Danh

Ngày 21 tháng 5, 2013, vợ chồng tôi mời cô em gái và vợ chồng anh bạn ở Minnesota đang về thăm thành phố Houston đến ăn tại tiệm “Phở Danh”, trong khu Hồng Kông 4. Tôi thích tiệm phở nầy vì ở đây tôi thích ăn món bún suôn còn bà xã tôi thì thích món bún bò Huế, các loại phở ở đây ngon và rất nhiều thịt nên tiệm ăn nầy lúc nào cũng nhộn nhịp khách đến ăn. Tôi thì rất thích thịt bò nhưng lại không dám ăn nhiều lắm vì ngại bịnh gout tái phát! Bất ngờ thú vị của tôi là thấy bàn ăn dài, gần bàn của chúng tôi có nhiều khách đang ăn, tôi nhận thấy có anh chị Nguyễn Chánh Hồng và anh Đỗ Trung Thành, hai anh Hồng và Thành là bạn học cùng khóa với nhau tại trường Việt Nam Hàng Hải, và chúng tôi thường gặp nhau tại các buổi họp mặt cuối năm của anh em hàng hải thương thuyền đang sinh sống tại Houston, Texas; hoặc các buổi gặp mặt để đãi các anh học cùng trường hiện định cư trên toàn thế giới về đây thăm gia đình hoặc đến thăm viếng thành phố Houston. Tôi nhớ hoài buổi ăn tại nhà anh chị Hồng đãi khi anh Lê Văn Được sang thăm Houston, món beef steak của chính anh chị làm cộng với chút rượu vang của ngày hôm ấy thật là tuyệt vời. Cảm ơn sự hiếu khách của hai anh chị. 

Cùng ăn sáng tại Phở Danh trong khu Hong Kong 4

Tôi thấy anh Thành đang đứng, chọn góc nhìn để chụp hình thì buộc miệng hỏi anh có cần tôi chụp cho không? Anh Thành là một sinh viên khóa đàn anh, một niên trưởng mà tôi rất quý, đến ngay bàn ăn của chúng tôi và “kéo” tôi sang bàn ăn của anh, có rất nhiều anh chị đang ngồi. Tôi lưỡng lự song anh Thành ân cần quá nên tôi theo anh qua đó. Anh giới thiệu với tôi anh Nguyễn Minh Thơ, cựu Hải Quân Trung tá, khóa 8 Sĩ Quan Hải Quân; anh Thơ, anh Hồng và anh Thành là bạn học cùng khóa tại trường Việt Nam Hàng Hải, ngành cơ khí khóa 7 (1955-1957). Do hoàn cảnh khác nhau hai anh Hồng và anh Thành thì làm việc trên các thương thuyền Pháp như Messagerie Maritimes và Chargeur Réunie, đi nhiều nước Âu-Á châu, còn anh Thơ thì vào Hải Quân. Sau nầy do lịnh tổng động viên anh Thành được chuyển qua Hải Quân còn anh Hồng thì là hoa tiêu (pilote) của Không Quân. Tôi gặp anh Thơ rất nhiều lần, khi sang California để dự các buổi họp mặt của anh em Thân hữu Hàng Hải Thương thuyền toàn thế giới. Tôi được biết gần đây anh thoát nạn trong một tai nạn xe hơi tại Florida, trong đó có một người bạn bị tử nạn! Phải nói Ơn Trên Trời Phật đã phù hộ cho anh. Trong bàn ăn của quý anh chị đang ngồi thì chỉ có hai anh Hồ Công Minh và Nguyễn Văn Nghĩa là tôi chưa có hân hạnh được biết nhiều, chỉ “nghe” là anh Nguyễn Văn Nghĩa là cháu của cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.

 

Trò chuyện cùng Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại

Sau đó anh Thành giới thiệu cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại với tôi, phải nói là ngoại hình của ông có thay đổi so với trước đây. Trước 1975 khi làm Hạm Trưởng HQ.603, tôi có nhiều lần công tác ở Vùng 1 Duyên Hải, có dịp trình diện Tư Lịnh và Tư Lịnh Phó Vùng là HQ. Đại Tá Nguyễn Công Hội, trước đây ông Hội là Chỉ huy trưởng hải đội tuần duyên của chúng tôi tại Bộ Tư lệnh Hạm Đội và tất cả anh em Hạm trưởng đều quý mến ông. Cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại được nhiều người biết đến, trong giới quân nhân và dân sự Việt Nam vì ông có viết quyển Can Trường Trong Chiến Bại. Tôi đồng ý với ông là tại sao chúng ta tiếp tục tự dày vò chúng ta với sự chiến bại mà không hãnh diện về sự can trường của những anh hùng thuộc các quân binh chủng trong mọi hoàn cảnh? Phải nhìn nhận là ông có một trí nhớ phi thường, ông kể tên và xuất xứ từng sĩ quan được nhắc đến, từng sự kiện lịch sử, từng chi tiết rất chính xác. Trong quyển sách dày trên 300 trang của ông có một đoạn nhỏ nói về đơn vị của chúng tôi, hỏa vận hạm - HQ.472, mà tôi là Hạm trưởng, ở trang 263, 264. Có đoạn: ”Lúc 12 giờ trưa ngày 31 (31-3-1975, ghi chú của người viết bài nầy) tôi chỉ thị cho đại tá Nguyễn Công Hội lên hỏa vận hạm HQ 472 để hướng dẫn toàn bộ đoàn chiến đỉnh, chiến thuyền của các đơn vị thuộc Hải Quân Vùng I Duyên Hải rời Cu Lao Ré để đi Vũng Tàu”. Để bổ sung thêm phần nầy, tôi xin trích một đoạn nhỏ trong quyển “Sư Đoàn 3 Bộ Binh, phần thứ hai - Nhật Ký Tư Lệnh, do Thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh viết 1972-1975”, trang 40 có đoạn viết về chiến hạm của chúng tôi như sau:

Thứ Hai, 31 tháng 3 - 75: Ngày thứ ba trên tàu. Công việc cứu vớt người của hải quân không tiến triển được nhiều. Nói rằng đêm qua có tàu ủi vô bãi Bắc, chờ một giờ không có ai ra. Một ngày buồn trên tàu! Khoảng 16 giờ đề đốc Thoại nhận lệnh đưa gấp 1 số tàu tác chiến về yểm trợ cho khu Qui Nhơn (có lẽ đang bị uy hiếp nặng). Tôi cùng đại tá Hội, tư lệnh phó Vùng I Duyên Hải sang tàu dầu 542 - đính chính 472, hạm trưởng trung úy – đính chính đại úy - An Thuận, cùng một đoàn tàu nhỏ đi về Cam Ranh”.

Trong lần gặp mặt nầy, cựu Phó Đề Đốc Thoại có nói với tôi là “trông tôi hơi quen quen”, tôi có trả lời là trong quyển sách của commandant (ghi chú: trong các đơn vị hải quân chúng tôi thường gọi cấp chỉ huy như vậy) có một đoạn rất nhỏ nói về chúng tôi. Tôi nhớ lại lần cuối gặp ông là lúc ông đang trên một chiếc hộ tống hạm PCE, HQ. 08 để chỉ huy toàn bộ cuộc triệt thoái. Tàu chúng tôi vào cấp dầu cho chiến hạm nầy, và tôi có lên đài chỉ huy của chiếc PCE trình diện ông, tôi nhớ ông đang mặc áo navy blue jacket, mặt có vềt trầy, trông ông giống như hình trên trang bìa quyển sách của ông.

 

cựu HQ Trung tá Trần Đình Trụ.

Người kế tiếp mà tôi cũng có nhiều kỹ niệm là cựu HQ Trung tá Trần Đình Trụ. Năm 1972, chúng tôi sang Subic Bay để lãnh hai chiếc tuần dương hạm cho Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa. Toán chúng tôi lãnh chiếc tuần dương hạm Lý Thường Kiệt – HQ.16, toán của ông lãnh chiếc Ngô Quyền HQ. 17 và ông là Hạm trưởng. Chúng tôi cùng ở chung, ăn chung tại khu vực của sĩ quan Hoa Kỳ. Cả hai thủy thủ đoàn cùng làm việc cật lực để hoàn thành công tác lãnh tàu tại nước ngoài, và cùng về nước một lượt. Sau nầy khi về nước chúng tôi mang tàu ra Cam Ranh để tham dự huấn luyện ngoài khơi vì có nhiều anh em mới thuyên chuyển xuống tàu bổ sung thêm cho đủ cấp số, thủy thủ đoàn của mỗi tuần dương hạm khoảng 100 người. Sau đó thì mỗi người mỗi công tác nên ít có dịp gặp lại nhau. Nay gặp lại và thấy sức khỏe của ông tốt nên tôi mừng. Nhắc đến ông thì trong giới hải quân đều biết là có một số người sau khi đã tới trại tỵ nạn tại Guam, và vì gia đình vợ con còn kẹt lại trong nước nên muốn trở về và đã đấu tranh bằng nhiều hình thức như tuyệt thực bất bạo động cũng như bạo động. 

 

Sau cùng chính quyền Hoa Kỳ quyết định chấp thuận cấp tàu Việt Nam Thương Tín 1 có trọng tải trên 10.000 tấn, dài 140 m do HQ Trung tá Trần Ðình Trụ làm Thuyền Trưởng cùng với Thủy thủ đoàn hoàn toàn do các anh em Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan và Ðoàn Viên Hải Quân/ Việt Nam Cộng Hòa đảm trách để đưa 1.652 người từ Guam trở về Việt Nam. Ðúng 08 giờ sáng ngày 15 tháng 10 năm 1975 mọi người muốn trở về được lần lượt đưa xuống tàu. Ðúng 12 giờ 45 ngày 16 tháng 10 năm 1975 tàu Việt Nam Thương Tín 1 rời đảo Guam và khởi hành về Việt Nam. Sau 9 ngày lênh đênh trên biển, sáng ngày 25 tháng 10 năm 1975 tàu thả neo tại Vũng Tàu. Sau đó csVN ra lệnh tàu trực chỉ đi Nha Trang và đã thả neo tại vịnh Cầu Ðá lúc 10 giờ sáng ngày 27, csVN phân loại và đưa một số người đi tù. Riêng ông Trần Ðình Trụ đã bị Việt Cộng lưu đày qua các nhà tù từ Nam ra Bắc rồi trở vào Nam. Cho đến ngày 13 tháng 02 năm 1988 ông được ra tù từ trại Hàm Tân. Ngày 13 tháng 12 năm 1991 ông được ra đi định-cư tại Hoa-Kỳ theo diện HO cùng với vợ con. (đoạn nầy viết theo các tài liệu tham khảo khác nhau). csVN là như thế! Trong cả ngàn người trở về, có nhiều người thực lòng muốn về để đoàn tựu với gia đình và cống hiến, phục vụ cho quê hương, “vì nước nhà đã được độc lập, đã hết chiến tranh rồi. Hoà bình đến thì nước nhà cần bàn tay của mọi công dân", trích trong quyển Con Tàu Việt Nam Thương Tín của tác giả Trần Đình Trụ. Chúng ta hãy cùng chia sẽ tâm trạng của tác giả lúc đó:”Tôi nhớ tới cuộc di cư mà cha mẹ mình đã trải qua 20 năm về trước mà lòng não nề. Trong một nước mà còn không thể gặp nhau, huống hồ bây giờ tôi ra nước ngoài thì biết bao giờ gặp lại”. Với bản tính đa nghi (suy bụng ta ra bụng người), thà giết lầm-nhốt lầm hơn hơn là thả lầm, nên họ đã bỏ lỡ một cơ hội bằng vàng hòa hợp lòng người của hai phiá để cùng nhau chung sức đem đất nước vươn lên, sánh vai cùng các nước xung quanh! Nay thì kêu gọi hòa hợp hòa giải ai mà tin nơi họ nữa!!! Họ chỉ muốn moi tiền của người Việt đang sinh sống ở nước ngoài chớ có thương yêu ai bao giờ. Hãy nhớ câu nói bất hủ: ”Đừng tin những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm”.

Nói về cộng sản thì giống như trước đây chúng ta thường nói, “chuyện dài nhân dân tự vệ”, anh em chúng tôi thường khuyên lẫn nhau, thôi mình đã làm tròn bổn phận của mình với “hai chữ Việt Nam” (đất nước) rồi, trong chiến tranh đã vào sinh ra tử, trong hòa bình đã luôn ngẩng cao đầu trong các nhà tù cộng sản, bây giờ nên an hưởng tuổi già, lo kinh kệ, sống hạnh phúc với các con các cháu, vui vẻ với các bạn già, trồng trọt, ngắm hoa ngắm cảnh, du lịch, trau dồi thêm kiến thức về computer, về âm nhạc… mọi chuyện ở Việt Nam hãy gác bỏ ngoài tai vì đã ngoài tầm tay của chúng ta rồi vv…vv… nhưng khi đọc tin trong nước thấy csVN đàn áp những sinh viên, thanh niên thanh nữ lên tiếng đòi tự do, dân chủ, nhân quyền với những bản án trên cả chục năm tù thì tôi nghĩ chúng ta phải lên tiếng chung tay, chung tiếng nói với tuổi trẻ Việt Nam.

Trong nước chúng ta còn một thế hệ thanh niên không chịu cúi đầu, chứng tỏ ý chí mạnh mẽ của những người trẻ tuổi Việt Nam, nêu cao tinh thần yêu nước chống ngoại xâm, chống độc tài toàn trị...  Có nhiều người đặt câu hỏi đến bao giờ đất nước chúng ta mới có dân chủ nhân quyền, người dân có quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do đi lại, tự do biểu tình, tự do lập đảng phái, tự do buôn bán kinh doanh, tự do làm giàu, tự do tư hữu tài sản cá nhân, tự do bầu cử, ứng cử, tự do tôn giáo, tự do học hành, tự do khiếu kiện… ”

Câu trả lời là của 90 triệu người dân trong nước. Xin Ơn Trên Trời Phật phù hộ cho nước Việt Nam của chúng tôi mau chóng thoát khỏi họa cộng sản và đại họa diệt vong!

 


Friday, June 4, 2021

TƯỞNG NHỚ NGƯỜI BẠN THÂN THỜI CÒN ĐI LÀM

 

Sáng nay vào Home của facebook cá nhân thấy trên facebook của người bạn thân thời còn làm việc tại Tiểu bang Minnesota có status của con anh báo tin anh  đã mệnh chung.  Bàng hoàng vì anh rất thân với tôi và thân thiện với mọi người, và lại còn quá trẻ, chỉ mới 65 tuổi, anh Phạm Bá Trực, Giám đốc chương trình Minnesota Family Investment Program tại Cơ quan Rise Incorporation giúp cho người tàn tật, người thiểu số, người có lợi tức thấp, người có con nhỏ.

Tôi gọi ngay anh Tòng Hồng còn đang sinh sống tại tiểu bang Minnesota, cho anh biết tin, mặc dù cùng ở chung một tiểu bang với anh Trực song vì không có facebook cá nhân, sống ẩn dật và kinh kệ nên anh không có tiếp xúc bên ngoài nhiều như khi còn đi làm.  Hai anh em nói chuyện với nhau nhiều giờ và nhắc lại kỷ niệm thời còn đi làm.

Anh Trực làm việc ở cơ quan Rise, anh Tòng làm việc cho cơ quan CAPI và tôi làm ở cơ quan VSS.  Cả ba anh em chúng tôi làm việc tại 3 cơ quan khác nhau và đều nhận ngân khoản từ chính phủ Liên bang hay Tiểu bang để giúp cho người tỵ nạn định cư không phân biệt sắc tộc, chúng tôi huấn luyện cho họ có vốn anh ngữ căn bản cần thiết, có một chuyên môn tuy không cao như đào tạo các khóa hàn điện tử, căn bản điện toán, khóa đọc microscope và hàn dưới kính microscope tại cơ quan hay tại các hãng để người mới đến khai vào phần kỹ xảo trong đơn xin viêc, thay vì để trống trơn, giúp họ có được việc làm tại Hoa Kỳ sớm hòa nhập vào xã hội mới và tham gia đội ngũ những người đóng thuế cho chính phủ Hoa Kỳ thay vì phải nhận trợ cấp xã hội từ chính phủ tiểu bang hay liên bang.

Cả ba anh em chúng tôi tuy có vị trí nhất định trong cơ quan của mình song anh em chúng tôi giống nhau, không bao giờ tỏ ra mình là “manager”, là “director” mà khó khăn với anh em làm việc chung dưới quyền, trái lại còn làm việc nhiều hơn, vất vả hơn anh chị em.  Tôi nhớ khi tôi và anh Hồng đến thăm Anh Trực tại cơ quan của anh, nội thấy văn phòng làm việc của anh tôi đã “khớp”, vì nó quá lớn và sang trọng.  Dưới quyền của anh đa số là cán sự xã hội người Mỹ và những người từ các nước khác tỵ nạn tại đây, họ kính trọng và thán phục anh lắm, anh xuề xòa với nhân viên, nhưng khi cần cũng cứng rắn với họ khi họ làm sai; anh em chúng tôi đều cùng một quan niệm, ăn mặc đứng đắn nhưng hạn chế mặc veston ngoại trừ khi đi họp nên rất gần gũi người tỵ nạn mới đến, gần gũi và tạo sự tin cậy với người mới đến nên chương trình tìm việc của 3 anh em chúng tôi lúc nào cũng thành công.



Trên cương vị làm việc ba anh em chúng tôi “cạnh tranh” với nhau, đáng lý ra chúng tôi “dấu” những tuyệt chiêu của mình, như cơ quan nào đang cho thêm ngân khoản, như hãng nào cần người, phải liên lạc với ai tại hãng đó... song chúng tôi chia sẽ thông tin với nhau thoải mái vì nếu anh Trực cho chúng tôi tin tức tuyển dụng của hãng A... nhưng có khi hãng đó tin anh ấy hơn anh em chúng tôi hay ngược lại, có khi thì cả 3 đều “win-win”.

Mỗi nửa tháng anh em chúng tôi đi dùng cơm trưa với nhau, theo kiểu Mỹ nghĩa là mạnh ai nấy trả tiền phần mình.  Nhớ lại kỷ niệm những ngày xưa và cảm thấy buồn!

Anh ra đi ngày 15 tháng Giêng, 2020 và sẽ được gia đình, thân nhân và bạn bè thăm viếng các ngày thứ bảy và thứ hai tới đây tại nhà thờ, sau đó thì an táng.

Tôi có chia buồn cùng chị Trực và hai cháu trên facebook của anh và trong sổ Guestbook của nhà quàn.  Tôi cũng không quên nhờ anh Tòng khi thăm viếng và gặp anh tại nhà thờ cho tôi chuyển lời chia tay và cầu nguyện linh hồn anh sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa.

 

Châu An Thuận

18/1/2020


Thursday, June 3, 2021

Cuộc sống quanh tôi: CÂY HỒNG DÒN

Cây hồng dòn vào mùa đông

 Chúng tôi xây căn nhà nhỏ cuối đời vào năm 2004, và dự trù nghỉ hưu sẽ về đây ở, nhưng vào giờ chót thì vì sự nghỉ hưu của tôi có chút đỉnh trở ngại ngoài ý muốn của tôi; nên vợ chồng tôi tiếp tục làm việc ở Minnesota thêm 3 năm nữa. Căn nhà mới tinh của chúng tôi đành phải cho thuê, và em trai tôi, Lê Văn Mỹ, phụ giúp chúng tôi trong việc điều hành việc cho thuê căn nhà trong thời gian tôi còn ở xa.

Mùa Xuân tới là lúc muôn hoa đua nở, cây cối đâm trồi nẩy lộc, mang tới sức sống cho thiên nhiên

Vào tháng 6 năm 2006, chúng tôi nhờ em gái tôi và em rể, La Phước và La Kim, giúp chúng tôi trồng các cây ăn trái chính gồm 3 cây, là các cây cam, cây lê tàu và cây hồng dòn ở sau vườn của căn nhà. Vợ tôi cứ nhắc các em tôi là mua các loại cây đắt tiền hơn một chút như cây hồng thì phải là hồng dòn và loại lớn (Giant Persimmon Tree) mới chịu, đắt hơn một chút cũng được (khoảng $15.00 lận)!

Nhìn những trái hồng nặng trĩu trên cây ma ham thích!


Còn xanh nhưng mỗi ngày vẫn được bà chủ ngắm nghía và nói chuyện với cây, với trái.

 Vì lúc đó nhà còn đang cho thuê, nên mỗi lần về thăm nhà, chúng tôi đều có đến thăm chủ đang thuê và có nhờ họ tưới các cây đó dùm. Nói với họ để hy vọng lấy cảm tình chút nào thôi, chớ tôi tin rằng họ không “rảnh” để làm chuyện đó đâu! Giữa tháng 12 năm 2008, tôi đã hoàn toàn nghỉ hưu và với sự phụ giúp của con trai cả Lê Châu Thanh Quốc, chúng tôi lái xe về nhà “mới” của mình, đã được em trai tôi tân trang lại như mới.

Được biết hồng là cây ăn quả có giá trị dinh dưỡng tế cao, giàu hàm lượng vitamin và khoáng chất.  Hồng là cây ưa sáng chịu hạn hán.


Chim và sóc đã bắt đầu "ăm trộm" rồi!

Các bạn tôi dù không biết ăn trái nầy vẫn xin về để khoe thiên hạ!

Khi chúng tôi về sống hưu trí ở căn nhà nầy thì tôi dồn sự chăm sóc đúng mức theo các cách chỉ dẫn của các “bạn già” hưu trí ở đây. Trong năm 2009 là năm đầu tiên nên cây hồng dòn nầy được chủ chăm sóc đúng mức, nhưng sự thu hoạch không có gì đáng kể. Tất cả hy vọng đều dồn vào năm sau 2010. Tôi theo dõi cây trồng của mình tương đối thường xuyên và nhận thấy: Vào tháng 12 dương lịch nên cây hồng dòn trụi lá, không còn một nhánh màu xanh nào trên cây cả, và chúng tôi bắt đầu tỉa cây lại cho đẹp với hy vọng năm sau cây sẽ phát triển xum xuê hơn. Trong thời gian cây hồng dòn “đứng ngủ” như vậy thì chúng tôi mua phân về bón gồm hai loại, phân động vật và phân Vigoro dành cho cây ăn trái, chanh, quít, cam… Chúng tôi có tưới nước nhưng vừa phải, theo lời hướng dẫn của nhiều người bạn thân có kinh nghiệm từ Texas, California, Virginia.

Khoảng 2 tháng 3 năm sau thì cây bắt đầu ra nụ và lần lượt các lá non xanh tươi trổ rộ ra, đem lại sự sống cho toàn bộ cây hồng dòn. Và khoảng 10 tháng 4 thì trên cây đã bắt đầu đơm bông, tôi đếm sơ qua cũng thấy trên 500 bông, thấy như vậy thì mừng lắm nhưng còn bông có đậu được không và còn lại bao nhiêu, đó là chuyện khác!

Sau thời gian nầy, có thể nói đó là thời gian “đau xót” và “hy vọng”, đau xót là vì bông (hoa) liên tiếp rụng mỗi khi gió to, mưa lớn, có khi tại mình tưới nước quá nhiều; hy vọng khi thấy các trái đậu được phát triển tốt mỗi ngày. Vào mùa Thu, tháng Tám âm lịch, trái hồng chín vàng rực cành. Theo ngày tháng, cây hồng dòn của chúng tôi đã cho chúng tôi được 54 trái đúng, trái lớn, ngon vô cùng, và không có hột. chúng ta đều biêt hồng là cây ăn trái có giá trị dinh dưỡng cao, giầu hàm lượng vitamin và khoáng chất. Trái hồng được sử dụng để ăn tươi, sấy khô, chế biến mứt, làm bánh hay ngâm rượu…

Vị ngọt của trái hồng rất đặc biệt, ăn mãi không biết chán, và ăn xong không thấy khát nước.

Nhìn thì mê lắm, cố gắng đậu nhiều trái nhe cây!

Que será será... What will be, will be.
Ăn trái Hồng Persimmon các loại nên nhớ:

Những lời khuyên sau đây do các bạn email cho tôi, xin đăng ra đây để chúng ta cũng lưu ý:

Trái hồng chín rục là lúc ăn ngon nhất, mềm và ngọt nhất...
Ngon quá phải không quý bạn.
1.- Không nên ăn khi bụng đói. Lý do là nó có chất "tannin" (hoặc có thể gọi là "mủ", một chất trong vỏ trái cây) và chất "pectin" (hóa chất trong trái cây), hai chất này tác hợp với axít dạ dầy (gastric acid) sẽ kết hợp lại rồi tạo ra những cục (lumps) lớn nhỏ, cuối cùng được gọi là "sạn trái hồng trong dạ dầy" (gastric persimmon stone). Khó mà tống xuất tự nhiên sạn này và phải đi giải phẩu. Triệu chứng sẽ là đau bụng, ói và có thể ói ra máu, và có thể có các triệu chứng khó chịu khác.

2.- Không nên ăn luôn vỏ vì lớp vỏ trái này quy tụ rất nhiều "tannin" ( mủ ), gây tác hại nói trên.

3.- Không ăn tráng miệng trái hồng (dessert) sau khi ăn cua, tôm, cá hoặc thực phẩm có high protein. Theo Đông y, trái Hồng và cua (hải sản) thuộc Hàn (âm khí, "lạnh bụng").

4.- Tiểu đường, phải tránh ăn trái hồng. Độ đường trái này cao 10.8% mà là loại đường "ăn hại" (surcose, fructose, glucose, tuy rằng Glucose (đường) vẫn rất cần thiết cho tế bào), sẽ bị tăng đường trong máu (Hyperglycemia).

5.- Chất tannin (tannic acid) của trái hồng khi gặp và hợp chung với Calcium, Zinc, Magnesium và vài khoáng chât khác, nó sẽ trở thành một hợp chất (compound) mà cơ thể ta không tiêu hóa được. Không tiêu hóa các khoáng chất thì cơ thể bị thiếu khoáng chất. Chung quy là không nên ăn qúa 200 grams trái hồng mỗi ngày.




6.- Nhớ đánh răng súc miệng sau khi ăn hồng. Lý do cũng là "tannic acid" nơi các mảnh hồng nhỏ còn kẹt lại giữa kẽ răng sẽ làm sâu răng (tooth decay).

Nhiều người bạn Việt Nam có vườn sau rộng và thích trồng cây hồng dòn, vậy chúng ta nhớ phổ biến tin này cho nhau.

Lê Châu An Thuận