Sở kỷ
bất dục, vật thi ư nhân…
Lần đầu tiên tôi nghe
cái câu này là lúc tôi còn ở quê nhà. Năm
đó tôi mới mười tám tuổi.
Thầy tôi ngồi giảng cho
chúng tôi cái thâm thúy của một đạo nghĩa được truyền lại cả ngàn năm, nhưng đối
với tôi hôm ấy lại mới mẻ, tươi mát như một dòng suối thượng nguồn. Tôi chẳng
hiểu tại sao nó theo đuổi tôi đến tận bây giờ, có lẽ bởi vì hôm đó cũng là lần
cuối cùng tôi nghe câu nói ấy. Hoặc là vì từ ngày rời xa Thầy Cô, không còn ai
ngồi giảng cho tôi những đạo lý làm người đó nữa.
Thời
gian vỗ cánh bay như quạ
Qua hết
đường xuân kiếm chỗ ngồi
Rượu cạn, gà kêu, em cuốn chiếu
Quay về còn nửa mảnh tình tôi
Tchya
Đái Đức Tuấn
Mỗi khi diễn tả cái
tính cách phù du của thời gian, người ta thường dùng những từ ngữ như “thấm
thoát”, “chớp mắt”… riêng tôi thì lại thích cách diễn tả của ông Đái Đức Tuấn.
Nó không thường tình, sáo ngữ, có lẽ vì ông không phải là một nhà thơ. Tôi biết
đến ông qua những truyện Thần Hổ, Ai Hát Giữa Rừng Khuya. Đặc biệt là cái bút
hiệu của ông: Tchya (phát âm Tê Sia). Tới bây giờ cũng không ai biết nó có
nghĩa là gì. Ba tôi cho tôi biết có người đoán đó là viết tắt của “Tôi chưa hề
yêu ai” hoặc “Tôi chẳng hề yêu ai”. Truyện của ông thuộc loại tiểu thuyết đường
rừng, ma quái, kinh dị, tuy phản khoa học nhưng cũng đem lại được vài giây phút
thú vị.
“Thời gian vỗ cánh bay
như quạ”, đã hơn hai mươi năm từ ngày Thầy tôi nói cho tôi nghe “Sở kỷ bất dục,
vật thi ư nhân…”. Không biết những người bạn của tôi ngày xưa có giống tôi
không, nhưng tôi thấy tôi thật là người may mắn, nếu Thầy tôi không dạy cho tôi
chắc tôi cũng không biết. Chỉ nhìn cách nhân loại đối xử với nhau là biết, họ
chỉ làm ngược lại lời dạy của thánh nhân: Cái gì mình không thích, thì làm cho
người. Nếu ai cũng có một người thầy như Thầy tôi thì thiên hạ đã thái bình, Việt
Nam quốc thái dân an, mấy triệu đồng bào tôi cũng chẳng phải lưu vong viễn xứ.
Từ khi lập quốc đến giờ,
đất nước tôi không ngừng công cuộc chống ngoại xâm, đặc biệt là Trung Quốc từ
phương Bắc. Có lẽ vì vậy mà lịch sử tổ quốc tôi tuy hào hùng nhưng đầy rẫy máu
và nước mắt. Từ ngày rời mái trường trung học tôi không thường đọc sách sử, kiến
thức cũng đã mai một rất nhiều. Nhưng mỗi lần có đọc lại những trang lịch sử nước
nhà là lòng tôi lại một lần tràn đầy cảm xúc. Khi đọc những chuyện xưa cũ làm
tôi xúc động, tôi gác tay lên trán, nhắm chặt đôi mắt nóng rang, ngấn lệ, mơ
màng tưởng nhớ cổ nhân…
![]() |
Bia mộ Lý Chiêu Hoàng ở lăng Cửa Mả
|
Bia mộ Lý Chiêu Hoàng ở lăng Cửa Mả
|
Mùa
đông năm ấy, nhân người họ Lý làm lễ tế các vua Lý ở Thái Đường, Hoa Lâm , Thủ
Độ ngầm đào hố sâu, làm nhà lên trên, đợi khi mọi người uống rượu say, giật máy
chôn sống hết. (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)
Nhà Lý đến đây là hết.
Sử sách cũng không nói gì đến dòng họ này nữa. Nhà Lý ngồi trên ngai vàng từ
năm 1009 đến năm 1226 là tuyệt, kéo dài hơn 200 trăm năm. Trừ Cao Tông, Huệ Tông
lúc cuối chơi bời vô độ, các vua nhà Lý ai cũng trông lo việc nước, tôn sùng đạo
Phật, công đức với nước nhà thật không kể xiết.
Nhà Lý tận, nhưng họ Lý
vẫn còn hai chuyện đáng nói.
Chuyện thứ nhất về Lý
Chiêu Hoàng. Lý Chiêu Hoàng bị Trần Thủ Độ dùng làm công cụ để lật đổ nhà Lý.
Nhưng chuyện của bà tới đây chưa dứt.
Năm Bính Thân, 1236:
Lập
công chúa Thuận Thiên họ Lý, là vợ của Hoài Vương Liễu, anh vua, làm hoàng hậu
Thuận Thiên. Giáng Chiêu Thánh làm công chúa.
Bấy giờ
Chiêu Thánh không có con mà Thuận Thiên đã có mang Quốc Khang 3 tháng. Trần Thủ
Độ và công chúa Thiên Cực bàn kính với vua là nên mạo nhận lấy để làm chổ dựa về
sau, cho nên có lệnh ấy. Vì thế, Liễu họp quân ra sông Cái làm loạn. (ĐVSKTT)
Như vậy Lý Chiêu Hoàng
không còn là Hoàng Hậu, còn bị giáng xuống làm Chiêu Thánh công chúa, lúc này
bà mới 19 tuổi. Thủ Độ vì muốn củng cố quyền lực của dòng họ, đã bất chấp thủ
đoạn, gây chuyện loạn luân, đọc qua cũng thấy kinh hoàng.
Năm Đinh Tỵ, 1257, quân
Nguyên sang đánh nước ta lần thứ nhất:
Vua
thân hành đốc chiến, xông pha tên đạn. Quan quân hơi núng, vua ngoảnh trông tả
hữu, chỉ có Lê Phụ Trần (tức Lê Trần) một mình một ngựa, ra vào trận giặc, sắc
mặt bình thản như không.
Lúc ấy,
có người khuyên vua dừng lại để chỉ huy chiến đấu. Phụ Trần cố sức can vua:
"Như
thế này thì bệ hạ chỉ đánh một ván dốc túi thôi! Hãy nên tạm lánh chúng, sao lại
có thể dễ dàng tin lời người ta thế!".
Bấy giờ,
vua mới lui quân đóng ở sông Lô . Phụ Trần giữ phía sau. Quân giặc bắn loạn xạ,
Phụ Trần lấy ván thuyền che cho vua khỏi trúng tên giặc.
Thế giặc
rất mạnh, [vua] lại phải lui giữ sông Thiên Mạc . Phụ Trần theo vua bàn những
việc cơ mật, rất ít người biết được đều đó. (ĐVSKTT)
Tên tuổi Lê Phụ Trần,
ít người nhớ đến, nhưng coi chuyện này mới thấy ông là người trí dũng song
toàn, đươc Trần Thái Tông hết lòng tin cậy. Năm Mậu Ngọ, 1258, quân Nguyên bị
phá ở Long Bộ Đầu, vua định công phong tước cho ông, lại đem Lý Chiêu Hoàng gả
cho. Lúc này Lý Chiêu Hoàng đã 41 tuổi:
Định
công phong tước: cho Lê Phụ Trần làm Ngự sử đại phu; lại đem công chúa Chiêu
Thánh gả cho. Vua nói: "Trẫm không có khanh, thì đâu có ngày nay. Khanh
hãy cố gắng để cùng được trọn vẹn về sau". (ĐVSKTT)
Mậu Dần, 1278:
Tháng
3, phu nhân Lê Phụ Trần là công chúa Chiêu Thánh Lý thị mất
Công
chúa lấy Phụ Trần hơn 20 năm, sinh con trai là thượng vị hầu Tông, con gái là Ứng
Thụy công chúa Khuê. Đến nay 61 tuổi thì mất. (ĐVSKTT)
Chuyện thứ hai về họ Lý
là truyền nhân của họ Lý. Năm 1226, Lý Long Tường (chú vua Lý Huệ Tông, vị vua
cuối cùng của nhà Lý) cùng với Lý Quang Bật đem bài vị tổ tiên, vượt biển trốn
sang Cao Ly (Triều Tiên ngày nay). Hai mươi bảy năm sau, Mông Cổ đem quân xâm
chiếm Cao Ly. Lý Long Tường lúc này tuổi đã thất tuần vẫn xông pha chiến trường
đốc thúc quân, dân chống giặc. Nhờ ông mà quân Cao Ly phá tan giặc Nguyên, vua
Cao Ly phong cho ông làm Hoa Sơn Tướng Quân. Riêng ông, hay lên đỉnh núi gần chỗ
trú ngụ, ngồi nhìn về phương Nam mà khóc. Ngọn núi ấy được gọi là Vọng quốc
đàn. Nơi ông đánh bại quân Nguyên được mệnh danh là Thụ Hàng Môn, tấm bia ghi
công của ông tới giờ vẫn còn. Họ Lý ở Triều Tiên đóng góp đắc lực trong chính
trường Triều Tiên, con cháu ở hai vùng Nam Bắc có tới vài ngàn người.
Trong giai đoạn lịch sử
này, theo tôi chỉ có Lý Chiêu Hoàng là kết cục tốt đẹp nhất. Xin để tôi giải
thích.
Lăng Trần
Thái Tông ở Long Hưng, Thái Bình
|
Bên Tàu, nhà Tống trước
đây đã từng xâm chiếm nước ta, hét gió gọi mưa, thì năm 1279, 53 năm sau khi
nhà Lý mất ngôi, bị nhà Nguyên tiêu diệt. Năm ấy, quân Tống thua trận ở Nhai
Sơn, tỉnh Quảng Đông, vua Tống nhảy xuống biển tự vận, hậu cung và các quan tuẫn
tiết theo vua, nghe nói tới hàng vạn xác người trôi trên mặt biển. Một số người
Tống trốn sang Việt Nam không dám nhận là con cháu nhà Tống, lại xưng là người
Hồi Kê (có người suy luận Hồi Kê có cùng gốc với Hồi Hột tức là dân tộc Uigur ở
Tân Cương) chắc là để tránh nhà Nguyên đuổi giết. Nhà Tống ngày xưa xua quân
xâm chiếm nước ta, bây giờ con cháu chết phơi thây trên mặt biển, không chỗ chôn
thân, chuyện đời bể dâu, thật là thương tâm!
Vậy thì nhà Trần kết cục
ra sao? Vua cuối cùng của nhà Trần là Trần Thuận Tông, lên ngôi năm Kỷ Tỵ,
1389, lập trưởng nữ của Hồ Quý Ly làm Hoàng Hậu. Ông lên ngôi được 9 năm thì bị
ép nhường ngôi cho con là Hoàng Tử An, lúc đó chỉ mới có 3 tuổi. Thuận Tông xuất
gia được 1 năm, thì bị Hồ Quý Ly ép phải thắt cổ mà chết ở đạo quán Ngọc Thanh,
thôn Đạm Thủy (thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh), được chôn ở lăng Yên
Sinh. Năm ấy là năm Kỷ Mão, 1399, vua mới tròn 22 tuổi.
![]() |
Tượng thờ Hồ Quý Ly
|
Nhà Trần trị vì được
175 năm, số đến đây là hết. Điều đáng sợ nhất là khi xưa Trần Thủ Độ đối xử với
con cháu nhà Lý ra sao, thì con cháu nhà Trần sau này cũng bị quả báo như vậy.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có chép, Lý Huệ Tông trước khi bị Trần Thủ Độ ép chết
có khấn rằng: "Thiên hạ nhà ta đã vào tay ngươi, ngươi lại còn giết ta,
ngày nay ta chết, đến khi thác con cháu ngươi cũng sẽ bị như thế". Có tin
hay không, sự thật rành rành ra đó, nghĩ đến không khỏi rùng mình. Riêng tôi chỉ
biết nói có một câu: Sở kỷ bất dục, vật thi ư nhân…
Thế là nhà Lý, nhà Tống,
nhà Trần lần lượt theo nhau, nước mất nhà tan. Chỉ riêng Lý Chiêu Hoàng tái
giá, sinh con, rồi được hưởng một cái chết êm đềm, không phải là hạnh phúc lắm
sao?
Sử nước tôi không chỉ
là đẫm máu mà còn đầy nước mắt. Một trong những chuyện xưa cũ mà ai cũng biết
là chuyện Trọng Thủy Mỵ Châu.
Triệu Đà, thủ hạ nhà Tần,
năm Đinh Hợi, 214 TCN, đem hơn 50 vạn quân, áp sát biên giới Việt, mưu đồ thôn
tính nước ta. Tuy người đông thế mạnh, nhưng đánh mãi vẫn không thắng được vì
quân Việt có nỏ “thần” do Kim Quy ban cho. Cuối cùng Đà nghĩ ra “mỹ nam kế” sai
con trai là Trọng Thủy giả sang cầu hôn con gái An Dương Vương là Mỵ Châu. Trọng
Thủy dụ dỗ Mỵ Châu lấy nỏ thần cho xem rồi lén ăn cắp lấy lãy nỏ, trở về phụng
sự Đà. Trước lúc chia tay Thủy hỏi Mỵ Châu: "Ân tình vợ chồng không thể
quên nhau, nếu lỡ hai nước không hòa, Nam Bắc cách biệt, ta lại tới đây thì làm
thế nào mà tìm thấy nhau?" Mỵ Châu trả lời: "Thiếp có cái nệm
gấm lông ngỗng, thường mang theo mình, đi đến đâu thì rút lông ngỗng rắc ở chỗ
đường rẽ để làm dấu".
![]() |
Đền
thờ An Dương Vương
|
Nhớ lúc còn trong trường,
đọc những trang sử này tôi giận Mỵ Châu lắm. Chỉ vì mối tình của nàng mà dân
tôi lâm cảnh nước mất nhà tan. Mấy chục năm sau, xem lại câu chuyện này, tôi lại
thấy buồn. Buồn cho một cô công chúa ngây thơ bị lừa lọc, phải trả giá bằng
sinh mạng của mình. Nghĩ cho cùng nàng cũng đã lấy thân đền nợ nước, đâu thua kẻ
mày râu; câu chuyện của nàng lưu lại sử sách ngàn thu, chẳng phải cũng đáng giá
lắm sao? Còn Trọng Thủy thì sao? Từ xưa đến giờ, tôi khinh bỉ cái nhân vật này.
Ngày nay, tôi thấy tôi nên khinh bỉ Triệu Đà nhiều hơn. Cha mà lấy cảm tình của
con trai mình làm phương tiện công thành đoạt ải, làm tướng đã hèn, làm cha lại
càng thêm nhục. Sử sách nước nhà tuy có ghi lại, nhưng theo thiển ý, hắn không
phải là vua nước Việt, chỉ nên được coi là một kẻ đô hộ đất nước tôi mà thôi.
Nếu bỏ hết những khía cạnh
chính trị trong câu chuyện này, thì vẫn còn lại một câu chuyện tình. Câu chuyện
tình tuy muôn phần sầu thảm, nhưng cũng vì vậy mà không kém phần lãng mạn. Cái
lãng mạn ở đây là hai người chết đi mà không hề gặp mặt lần cuối. Tôi biết ngày
xưa, mỗi một cặp uyên ương chắt hay thề thốt nếu có chuyện gì thì sẽ gặp nhau ở
chốn tuyền đài. Không phải những lời thề thốt này là lãng mạn. Cái lãng mạn ở
đây là họ tin vào những lời thề của họ, khi nàng chết, thì chàng cảm thấy cuộc
đời không còn gì để lưu luyến nữa. Công thành danh toại, nhưng chỉ có con đường
chết là có thể cho chàng thấy lại người yêu. Tới đây tôi chỉ cầu xin ơn trên ít
nhất dành ra một cõi thiên đường cho những mối chân tình như vậy. Cuộc đời này
hiếm có những mối tình bất tử, vượt không gian, thời gian, trong cuộc sống họ
đã quá nhiều khổ đau, thì ít ra, cũng xin cho họ một niềm hạnh phúc trong cõi
chết.
Sử Việt có ghi chép lại
một ông vua cùng họ với tôi, ông vua cuối cùng của nhà Hậu Lê, Lê Chiêu Thống.
Họ Lê ngày nay tại Việt Nam không phải là đa số. Tôi còn nhớ khi còn đi học,
nhìn vào sổ sách thấy toàn là họ Nguyễn, họ Lê chỉ đếm chưa đầy mấy đầu ngón
tay. Tuy không có nghiên cứu gì nhưng tôi chắc chắn là vì triều Nguyễn là triều
đại cuối cùng của Việt Nam. Tôi không phải muốn tôn vinh gì dòng họ Lê cuả tôi.
Theo gia phả nhà tôi ghi chép lại, tổ tiên tôi vì có công với vua Lê mới được
ban cho họ vua. Trước đó thật ra là họ gì thì cũng không biết. Tôi nhắc đến họ
Lê vì ít người nhận ra đây là một trong những họ chính gốc Việt lâu đời nhất. Họ
Trần tuy còn nhiều ở Việt Nam nhưng có gốc từ Trung Hoa. Còn họ Lê xuất hiện
trong lịch sử Việt Nam từ Lê Hoàn, người sáng lập ra nhà Tiền Lê năm 980. Họ Lê
có hai triều đại: Tiền Lê kéo dài vỏn vẹn 29 năm và Hậu Lê bắt đầu từ năm 1418,
tuy lúc cuối cùng không có thực quyền nhưng kéo dài hơn ba trăm năm (1788).
![]() |
Lê Chiêu Thống hội kiến Tôn Sĩ Nghị
|
Cuối năm Mậu Thân 1788,
quân Thanh mượn danh nghĩa khôi phục nhà Lê xua quân chiếm đóng Thăng Long. Bắc
Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi vua, lấy đế hiệu là Quang Trung, rồi đem quân Bắc
tiến. Chiến dịch của quân Tây Sơn bất đầu ngày 30 tết (Mậu Thân) đến sáng mồng
6 Tết (Kỷ Dậu) là chấm dứt. Chỉ trong vòng 7 ngày là 20 vạn quân Thanh bị bại
tan tành, dân quân Lưỡng Quảng kinh hồn khiếp vía, bồng bế nhau chạy trốn,
trong vòng trăm dặm một bóng chó gà cũng không thấy. Chiến công vẻ vang năm Kỷ
Dậu của vua Quang Trung thật là ngàn năm có một, làm con cháu cũng thấy tự hào.
Những kẻ làm chính trị ngày nay, lúc nào cũng so sánh mình với vị vua anh hùng,
nhưng lại cắt đất cho ngoại bang, thật là nhục nhã đối với tổ tiên.
![]() |
Chí
sĩ Phan Châu Trinh (1872 - 1926)
|
Trước khi chết ông có một
tâm niệm cuối cùng, mong thủ hạ đem nắm xương tàn về cố quốc. Sử chép tới đây
là hết, không biết tâm nguyện đó có thực hiện được không. Chuyện chép ra đây,
thương hay ghét là tùy người đọc. Chỉ xin mượn lời cụ Phan Châu Trinh nói “Vọng
ngoại chí ngu” cho con cháu suy ngẫm.
Những chuyện dẫn trích
trên đây, chỉ riêng sử nước tôi mới có. Lịch sử nước tôi còn dài, những dòng sử
cảm động, lãng mạn, vinh nhục, bi hùng của dân tộc tôi kể lại không biết bao giờ
mới hết. Con người không thể sống trong quá khứ; nhiều người đồng hương của tôi
vẫn còn đắm chìm trong cái niềm kiêu hãnh “4 ngàn năm văn hiến”. Nhưng cũng có
người ở cực đoan khác, lúc nào cũng hướng ngoại. Theo tôi, “trung dung” lúc nào
cũng tốt hơn, Tây tuy có hay, nhưng Ta có nhiều chuyện cũng đâu có dở. Nhưng
cái điểm chính ở đây là lịch sử là một gia tài quí giá của cha ông để lại. Nó
như một hòn ngọc, bỏ quên thì lu mờ, nhưng lấy nước sạch rửa đi thì hoàn lại
ánh sáng rực rỡ ban đầu. Vậy chúng ta nếu đem tấm lòng chân thành rửa đi lớp bụi
cũ của thời gian, biết đâu sẽ tìm lại được những bài học sáng giá trả bằng máu
và nước mắt của cổ nhân?
Cách đây không lâu, tôi
đọc thoáng qua trong một tạp chí, tình cờ thấy vài dòng thơ của thi sĩ Quang
Dũng:
Em mãi là hai mươi tuổi
Ta mãi là mùa xanh xưa.
Những cây ổi thơm ngày ấy
Và vầng hoa ngâu mưa thu.
Tóc anh đã thành mây trắng
Mắt em
dòng thời gian qua.. ..
Lời thơ mộc mạc nhưng
sao hay quá vậy! Tôi thắc mắc, cố gắng tìm tòi cho được nguyên bài thơ, mới biết
đó là bài thơ Không Đề cuả ông viết về người tình cũ. Khi ông gặp nàng, nàng chỉ
mới hai mươi tuổi. Đi kháng chiến trở về, gặp lại cô ông đã tròn 40 tuổi. Trọn
vẹn bài thơ như sau:
Không Đề
Em mãi
là hai mươi tuổi
Ta mãi là mùa xanh xưa
Những cây ổi thơm ngày ấy
Và vầng hoa ngâu mưa thu
Tóc anh đã thành mây trắng
Mắt em dòng thời gian qua
Ngày nay ngày nay
Chuyện đẹp qua đi
Thời gian gấp ruổi
Còn lại chúng ta
Em mãi là hai mươi tuổi
Ta mãi là mùa xanh xưa
Giữ trọn tình người cho đẹp
Ơi! con đường xưa
Những mùa trút lá
Cành bàng mồ côi
Cổng cũ rêu phong
Ý đợi người
Ơi! con đường xưa
Men vườn ổi thơm
Em tuổi hai mươi
Yêu anh hào hiệp
Bỏ em, anh đi
Đường hai mươi năm
Dài bao chia ly
Có những vợ chồng
Không là trăm năm
Mà tình thương yêu . . . . . . . . . . . . . . . . .
Sông ơi! dài sao
Rộng ơi! biển cả
Thôi em nước mắt
Đừng rơi lã chã
Em mãi là hai mươi tuổi
Ta mãi là mùa xanh xưa...
Giữ trọn tình người cho đẹp
Đêm vắng lặng, đọc lại
những giòng thơ cuối cùng của người thi sĩ tài hoa, lòng tôi đột nhiên ấm lại.
Với ông, là bài thơ trân trọng một mối tình không trọn vẹn. Đối với tôi, đó là
một bài thơ thăng hoa Tình Yêu. Chỉ một bài thơ mà gửi trọn mối tâm tình trong
một giai đoạn khói lửa của quê hương: có máu và nước mắt, có biết bao mất mát,
ly biệt, gian nan, nhưng cũng tràn trề ước ao, hy vọng. Cái giai đoạn đó là
giai đoạn mà ba má tôi và bạn bè của họ đã sống qua. Tôi biết trải qua hai cuộc
chiến tranh tàn khốc, Pháp rồi Mỹ, cuộc đời của họ quá nhiều đau khổ, quá nhiều
hy sinh. Nhưng tôi cũng biết rằng, họ đã yêu, thương, hạnh phúc, dù chỉ là một
thời ngắn ngủi. Tôi chép bài thơ này, hy vọng đọc qua, nhớ tới những kỷ niệm
xưa, trong lòng họ cũng tràn ngập những cảm giác bồi hồi, xúc động. Đối với
tôi, những chuyện tình của họ cũng nồng nàn, cảm động không kém Trọng Thủy Mỵ
Châu. Trên chiến trường, chiến bào của họ cũng một thời đẫm máu nào kém gì vị
anh hùng áo vải cờ đào. Họ đã sống, yêu thương, hy sinh trọn một đời; bây giờ nếu
còn có nhau thì hãy nói cho nhau:
Em mãi
là hai mươi tuổi Ta mãi là mùa xanh xưa... Giữ trọn tình người cho đẹp
Chiều nay có một người
đàn ông lưu lạc xứ người, lặng nhìn bầu trời mùa thu, lá vàng bay lả tả, nhớ đến
một buổi chiều xưa. Ngày xưa, hắn còn là một chàng trai mười tám tuổi, vui vầy
với bạn bè, thầy cô, tràn đầy ước mơ, hy vọng. Ngày nay, ôn lại lịch sử nước
nhà, lòng cảm thấy hổ thẹn. Xin mượn vài dòng thơ, sửa đi một chữ, để diễn tả
tâm trạng một kẻ tha hương:
Ngày nay ngày nay
Chuyện đẹp qua
đi
Thời gian gấp
ruổi
Còn lại mình ta
No comments:
Post a Comment