Tuesday, August 20, 2019

NGƯỜI VÔ GIA CƯ

Những bài đã viết: Xã hội/ Người Vô Gia Cư


Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn

Giống như hàng triệu triệu người tỵ nạn khác đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên quả đất, tôi nhập vào cuộc sống mới tại Hoa Kỳ với hai bàn tay trắng, sức khỏe yếu kém sau những năm tháng tù đày ở các trại tù cộng sản, phương tiện đi lại chưa có, tiếng Anh hạn chế, không có những kiến thức tối thiểu về hệ thống an sinh xã hội, luật pháp của Hoa Kỳ... chắc chắn gia đình của chúng tôi sẽ có những khó khăn nhất định khi hòa nhập vào xã hội mới.

Sau khi gặp gỡ với gia đình của những bạn bè và những người chưa hề quen đã qua Mỹ từ trước, tôi có phần phấn khởi vì mọi gia đình mà tôi gặp từ các em trong nhà đến những người Việt Nam khác, tất cả đều có cuộc sống ổn định và không quá than phiền về cuộc sống hiện tại, cả gia đình chúng tôi ngó về phía trước và lên kế hoạch để bước vào cuộc sống tại đây.

Với sự phấn đấu không ngừng nghỉ của các con tôi, các cháu lần lượt bước vào cửa của các trường đại học với những ngành nghề ham thích, vợ chồng tôi thì cố gắng với công việc của một người công nhân tại các hãng xưởng, không từ chối làm thêm giờ thêm việc. Dần dần cuộc sống của gia đình chúng tôi được ổn định và có chút ít dành dụm phòng thân khi có những biến cố bất ngờ xảy ra, như có lần tôi bị mất việc hơn 6 tháng trời, để có cuộc sống bình thường gia đình chúng tôi phải xài thêm vào tiền tiết kiệm đó cộng với tiền thất nghiệp hàng tháng ít oi của tôi.
Ngủ ở viã hè vào trời mùa đông Houston

Khi có cuộc sống tạm ổn định, tôi bắt đầu quan sát cuộc sống xung quanh tôi nhiều hơn. Khi còn ở Minnesota vào những ngày mùa đông, khi nhiệt độ xuống dưới -30°F, nhiều trung tâm mở cửa để đón những người vô gia cư có chỗ ngủ qua đêm, nhưng có lần đi làm tôi thấy 4 người nằm dưới gầm cầu của xa lộ vào mùa đông khắc nghiệt lạnh lẽo, tuyết thì đang tiếp tục rơi với cường độ mạnh, họ quấn chặt và trùm chặt trong các mền rách, không cần biết những gì đang xảy ra xung quanh mình..., thỉnh thoảng cũng có những người Mỹ trắng Mỹ đen xin tiền ở vĩa hè ở vài đường phố Minneapolis. Sau nầy do công việc làm của mình, tôi cũng có dịp vào những shelter dành cho những người vô gia cư và đã giúp cho hai người đồng hương có cuộc sống bình thường trở lại.

Trời mưa lạnh lẽo quá!

Có thể tạm đưa ra những lý do khiến một người bình thường trở thành một người thiếu nơi trú ngụ cố định, thường xuyên và thích hợp vào buổi đêm, đó là những người thất nghiệp dài hạn, có người đã từng tốt nghiệp từ các trường đại học, có người có tay nghề cao trong các ngành nghề khác nhau, có người chỉ là công nhân bình thường tại các hãng xưởng... họ phải lang thang khắp nơi tìm công ăn việc làm, nhưng gần như vô vọng trong thời buổi khủng hoảng kinh tế khi nạn thất nghiệp ngày càng trầm trọng ở Mỹ. Tuyệt vọng nên họ buông thả, nghiện ngập ma túy và rượu mạnh..., phạm tội hình sự, bị gia đình ruồng bỏ vì không thể tiếp tục cưu mang nổi nữa, và ngày càng lún sâu trong vũng bùn lầy nhơ bẩn để rồi phó mặc cho... đời lạnh lùng trôi theo dòng nước mắt...

Gió rất là mạnh và may mắn mưa vừa tạnh

Thời gian trước đây khi mà nền kinh tế thế giới và của Hoa Kỳ phát triển khá tốt đẹp cũng đã có những người xin tiền ngoài đường, và trong lúc kinh tế toàn cầu gặp cơn suy thoái trầm trọng thì số người thất nghiệp tăng nhanh, số người cần sự giúp đở của các loại trợ cấp cũng tăng không kém, số người vô gia cư đứng các ngã tư của các trục lộ giao thông càng lúc càng nhiều. Thôi thì đủ các sắc dân màu da, tuyệt nhiên tôi không bao giờ gặp người Việt Nam, đó là điều đáng mừng. Có lần tôi chở vợ tôi đi chợ Tân Bình trong khu vực tượng đài Việt Mỹ ở Houston, Texas, chúng tôi có gặp một thanh niên đồng hương đang ngồi ở trên cái băng ghế trước chợ. Anh ấy không xin gì của ai cả, ngồi đó và con chó được quấn một cái áo ấm, xúm xít quây quần dưới chân anh, anh ta vừa vuốt ve con chó vừa xé bánh mì vụn ra để liệng cho đàn bồ câu ăn. Tôi thì ngồi trên xe đang đậu sát chỗ anh ngồi, vì chờ đợi vợ tôi khá lâu nên tôi ra khỏi xe và tấp lại nói chuyện với anh, và được biết anh ta qua Mỹ hồi năm 1975 lúc còn rất nhỏ. Sau nầy có công ăn việc làm đàng hoàng, có chỗ ở đàng hoàng nhưng đùng một cái bị mất việc, cố gắng kiếm một việc làm khác nhưng không cách gì có được việc làm ổn định như trước kia. Theo đám bạn bè mới để hy vọng họ giúp kiếm được một việc làm, nhưng việc làm không thấy lại lao vào vòng nghiện ma túy. Bị cảnh sát bắt và từ đó con đường sống của một con người bình thường đã bị khóa chặt không cho anh trở lại. Rất tiếc cho anh vì đã đến được và đã sống ở một nước tự do đầy cơ hội mà bị bó tay, lâm vào cảnh vô gia cư!!! Ở đây người ta kỵ nhất là phạm tội, một xã hội trông rất là đầy tình người nhưng kỷ luật lại quá khắt khe. Nhiều khi tôi nghĩ nếu như vậy lại càng đẩy người ta vào chỗ cùng đường, kẻ đã cùng đường lại dễ sa chân phạm tội.


Có nên giúp đỡ những người vô gia cư không? Câu trả lời hoàn toàn tuỳ thuộc vào bạn. Một số người thì quan niệm rằng người khỏe mạnh phải đi làm dù có vất vả cách mấy cũng phải đi làm, đi làm để có tiền nuôi sống bản thân và gia đình, không thể nào một người lành mạnh mà cầm cái bảng nhỏ với các chữ như “homeless – hungry – need help” thì ta phải giúp và cho tiền, dù không đáng là bao, dứt khoát nói không với những người đó. Người Mỹ ít khi cho tiền người vô gia cư, có lẻ họ cho là những người nầy là loại lười biếng.
Cá nhân tôi thì trong những lần gặp những người nầy xin tiền tại các ngã tư có đèn xanh đỏ thì tôi có cho họ tiền, không phải là để lấy tiếng tốt, lấy đức... không phải chút nào cả! nhưng tôi muốn chia sẻ phần nào cho những người nầy, tôi nghĩ không ai muốn mang tiếng là người ăn xin cả, cực chẳng đã chứ ai muốn làm cái nghề bị xúc phạm nặng nề đến nhân phẩm như vậy, vả lại họ cũng phải cần sống, cần được giúp đỡ, với một hoàn cảnh khó khăn không vượt qua được nên họ phải đứng ngoài đường như vậy và trông mong vào sự giúp đở của người khác. Cho hay không là tùy mình, tôi không bao giờ phê phán ai, và tôi cũng tôn trọng quan niệm của những người không cùng quan điểm với tôi. Mỗi lần cho tiền, tôi có nghe họ cầu chúc God bless youcầu Chúa ban ơn phước cho ông, họ còn biết tin Thượng Đế chắc là người tốt còn có lương tâm.
Được một cái là ở đây những người vô gia cư không chết đói vì họ đã có nơi ăn, chỗ uống. Rải rác trong các thành phố, thường có những trung tâm thiện nguyện cung cấp thực phẩm, quần áo cho những người vô gia cư. Những trung tâm này thường do những nhà thờ điều hành, với ngân quỹ một phần từ chính phủ tài trợ, một phần do các người hảo tâm đóng góp. Hằng năm, vào dịp lễ Tạ Ơn, Giáng Sinh, và Tết Dương Lịch, những trung tâm nầy còn cung cấp một bữa ăn gồm gà tây, thịt heo và những món khác để phần nào giúp những người kém may mắn hưởng được không khí của những ngày lễ.
Khâu chuẩn bị 

Khâu chuẩn bị

Ở Houston nầy có nhiều gia đình kết hợp với các tiệm ăn Việt Nam âm thầm giúp cho những người vô gia cư. Trong một dịp tình cờ tôi được một đồng hương Cần Giuộc vừa là bạn thân, đó là anh Hiền giới thiệu cho tôi gặp anh chị Tấn. Anh chị Tấn rất nhiệt tình, có nhiều bạn và tất cả các anh chị đã giúp cho những người vô gia cư tại đây rất nhiều lần, tôi và anh Hiền xin tham gia đóng góp một ít tài chính và đã đến nhà của các anh để phụ chuẩn bị bánh mì để các anh chị và các cháu thiện nguyện viên trẻ mang vào phố tặng cho những người người vô gia cư. Vì bận rộn vào buổi chiều nên chúng tôi không có cơ hội vào phố Houston, nhưng được các anh chị gửi cho một số hình ảnh và tôi sẽ đưa lên để bạn đọc cùng xem các hoạt động của nhóm thiện nguyện đầy nhiệt huyết nầy.
Mỗi phần ăn gồm có: 1 bánh mì có paté, jambon nhét đầy, trái cây, bánh cookie, 1 túi chip, 1 lon nước ngọt. Quý anh chị đã thực hiện 306 phần ăn. Tất cả đã được phân phát cho những người cần đến. Người tặng và người nhận đều vui vẻ. Nhìn những món quà tuy khiêm nhường trên tay của những người Mỹ to lớn, nhưng gói ghém tình yêu thương đồng loại của một số người âm thầm thực hiện. Bao nhiêu công sức của các anh chị từ tính toán sao cho đủ với hiện vật hiện kim đang có, đi chợ sao cho rẻ nhưng có chất lượng, đưa quà vô bao giấy và vào các thùng carton sao cho gọn và nhanh để chở vào phố mà thức ăn còn ngon giòn.


Tuy làm được những công việc nhỏ nhặt nhưng lòng chúng ta thoải mái, đúng là hạnh phúc khi mang niềm vui cho người khác. Chúng ta cần phải dừng sự kỳ thị đối xử với những người vô gia cư, họ cần được hỗ trợ để cải thiện hoàn cảnh, và chúng ta hy vọng họ sẽ có được một cuộc sống tốt hơn sau nầy.

Một số hình ảnh hoạt động của nhóm thiện nguyện



Sau gần 40 năm ly hương, nhờ Ơn Trên Trời Phật phù hộ, nhờ ân đức của Tổ Hùng Vương và sự cố gắng của từng thành viên trong từng gia đình, đa số người Việt Nam sống xa quê hương đều có cuộc sống thành đạt, họ không những quay lại giúp đỡ đồng bào còn khó khăn trong nước mà còn giúp cho cộng đồng bản xứ nơi họ sinh sống.

Lê Châu An Thuận

No comments:

Post a Comment